Buổi đối thoại ngoài sự góp mặt của nhiều DN ở TP Cần Thơ còn có các hiệp hội DN đến từ TP.HCM và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, kéo dài từ 14 giờ đến gần 18 giờ 30.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: NN
Gần cuối buổi đối thoại, ông Phạm Hoàng Thắng – Giám đốc Công ty sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng (Cần Thơ), phản ánh về khó khăn với vốn vay ngân hàng và tìm mặt bằng làm cơ sở sản xuất. Ông Thắng kể ông vay Ngân hàng Nông nghiệp ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) một khoản tiền có thế chấp bằng sổ đỏ. Tuy nhiên, ông đã tất toán nợ cho ngân hàng ba ngày nay nhưng người của ngân hàng hẹn lần nữa không trả giấy đỏ cho ông.
“Đến hôm nay thì họ hẹn là thứ hai (18-9) trở lại giải quyết vì lãnh đạo đi học hết rồi. Tôi rất bức xúc vì DN làm khoa học công nghệ rất khó khăn về tài chính mà gặp ngân hàng như vậy tôi cũng không biết làm sao”- ông Thắng phản ánh.
Ngay sau đó, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Cần Thơ đã nói ông Thắng ngày mai cứ tới ngân hàng đó lấy giấy đỏ lại. Ông Thắng cho biết rất vui khi được lãnh đạo Ngân hàng nhà nước nói vậy.
Ông Nguyễn Phú Tia phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: NN
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Phú Tia, 70 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ), phản ánh tình trạng quá nhiều giấy phép mà ông ví von là “giấy phép mẹ, giấy phép con và giấy phép cháu ngoại”. Theo ông Tia, hiện với thương hiệu rượu mận Sáu Tia của ông phải đáp ứng 18 loại giấy phép và các giấy phép đều có thời hạn, nên khi hết hạn lại phải đóng tiền để được cấp giấy mới. Ngoài giấy phép thì rượu của ông còn phải chịu thuế rất cao.
Ông Tia đề đạt nguyện vọng được miễn thuế trong vài năm để khôi phục sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời ông cũng đề xuất lãnh đạo TP nên đến tận cơ sở ông để xem xét tạo điều kiện cho ông yên tâm sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh trao đổi về mô hình trồng rau sạch với bà Lâm Việt Hòa trong giờ giải lao. Ảnh: NN
Bà Lâm Việt Hòa – Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Minh Hòa chuyên về sản xuất và chuyển giao công nghệ rau sạch theo chuẩn Châu Âu kể về “nỗi khổ” khi bắt đầu dự án trồng rau sạch của mình.
“Khi tôi bị phạt tôi không biết phải làm sao. Phường nói tôi cất trái phép trên đất nông nghiệp thì tôi đồng ý nhưng là tôi làm dự án, tôi đã nộp dự án cả ba, bốn tháng mà không ai trả lời tôi. Tôi lên quận cũng không được giải thích gì và tôi phải tự ôm hồ sơ lên TP kêu cứu thì may được mấy anh hướng dẫn phải đi qua sở này, sở kia… Tôi có cảm giác chính quyền luôn sẵn sàng phạt mà không sẵn sàng giải thích”- bà Hòa bức xúc.
Do thời gian dành quá nhiều cho phần các sở ngành báo cáo, chuyên gia nhận xét nên ông Nguyễn Hoàng Cung – đến từ Công ty TNHH nông sản sạch Đại Thuận Thiên, cho biết buổi đối thoại này đáng lẽ DN mới là trung tâm. Ông Cung cho biết DN sợ nhất là thủ tục nên nếu có mô hình gặp gỡ lãnh đạo như tỉnh Đồng Tháp (mô hình cà phê DN - PV) thì tốt vì DN sẽ được bày tỏ các vấn đề của mình. Vì vậy, ông Cung đã nói “tha thiết mong lãnh đạo TP hoặc sở, ngành tạo điều kiện cho chúng tôi được gặp gỡ, giãi bày trăn trở”.
Phát biểu kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết TP ghi nhận các ý kiến đóng góp của các DN và các chuyên gia. TP rất muốn phát triển các DN trên địa bàn, làm sao đến năm 2020 đạt ít nhất 13.600 DN.
Ông Thống cho biết, TP có nhiều nỗ lực trong việc thu hút đầu tư, hỗ trợ DN khởi nghiệp và luôn chăm sóc DN đang hoạt động trên địa bàn. TP sẽ luôn đồng hành cùng DN phát triển.
“Khó khăn của DN luôn được TP quan tâm, hỗ trợ giải quyết. Các sở, ngành nên hỗ trợ DN, đừng để họ tự bơi. Đối với Ủy ban, DN cần gì cứ làm văn bản phản ánh để chúng tôi sắp xếp thời gian, phòng ban để giải quyết. Chúng tôi không áp dụng mô hình như Đồng Tháp nhưng mỗi nơi có một kiểu, kiểu gì đáp ứng yêu cầu là tốt”- ông Thống nói.