Chưa thể vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT nói gì ?

Chiều tối ngày 29-4, Bộ GTVT cho biết sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (sau đây gọi là hội đồng) mới xem xét, đánh giá cuối cùng để đưa ra thông báo về kết quả nghiệm thu của Bộ GTVT.

“Vì thông báo của hội đồng là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao để đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khai thác…”- Bộ GTVT cho hay.

Như vậy, kế hoạch bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho TP Hà Nội để khai thác thương mại vào cuối tháng 4 của Bộ GTVT đã không thành hiện thực.

Bộ GTVT mong nhận được thông cảm của toàn dân vì dự án chưa thể vận hành dịp lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: V.LONG

Theo Bộ GTVT, hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4-2021 đến nay, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.

Bộ này cũng đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội trong việc tiếp nhận dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (ACT).

Đến ngày 29-4, Tư vấn ACT ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án. Ngay sau đó, bộ khẩn trương bổ sung báo cáo nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng và gửi tới hội đồng. Tuy nhiên, như trình bay ở trên, sau lễ hội đồng mới xem xét.

Vì vậy, một lần nữa Bộ GTVT khẳng định đã hết sức nỗ lực để có thể hoàn thành mục tiêu đưa dự án vào khai thác thương mại dịp lễ 30-4 và 1-5, tuy nhiên các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và hội đồng. Nên dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn.

“Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của nhân dân và toàn xã hội…”- Bộ GTVT cho hay.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h.

Nhân sự vận hành toàn hệ dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam, hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, với tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm