Đà Nẵng sẽ xóa hàng loạt quán hải sản ven biển

Ngày 27-5, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay đơn vị vừa có báo cáo liên quan các công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn TP. Qua rà soát trên địa bàn quận Sơn Trà, Sở Xây dựng cho hay đến nay còn 55 hàng quán dạng này, trong đó 38 công trình có giấy phép xây dựng (GPXD) tạm (còn hạn sử dụng là 32 công trình, hết hạn sáu công trình), 17 công trình không có GPXD.

Hàng loạt quán nhậu không phép

Ghi nhận thực tế của PV, các công trình nói trên hầu hết là quán nhậu nằm trên tuyến đường ven biển sầm uất Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp. Hầu hết các hàng quán đều xây dựng tạm và dần dần được nâng cấp, xây kiên cố khu bếp, khu vệ sinh, các bể chứa hải sản tươi sống… và đều không có bãi đậu xe.

Trong số 17 hàng quán không phép, có nhiều quán ăn hải sản nổi tiếng tại Đà Nẵng như Bà Cường, Thanh Mập, Thơ Ý, Bà Thôi 3… nằm trên hai phường Mân Thái, Thọ Quang. Các quán ăn này thu hút lượng người dân, du khách đến rất đông, xe cộ đậu kín hai bên đường mỗi buổi chiều.

Ngoài việc không có GPXD, đa số nhà hàng, quán tạm này đều xây dựng lấn chiếm phần diện tích khoảng lùi 4 m (diện tích đậu xe) phía trước để làm trụ sắt, bạt kéo phục vụ kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.

Từ kết quả rà soát, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP chỉ đạo UBND quận Sơn Trà có kế hoạch yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ trước ngày 22-8 đối với các công trình xây dựng không phép hoặc hết thời hạn giấy phép tạm. Trường hợp chủ đầu tư không tự tháo dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Nhiều quán hải sản nổi tiếng ven biển Đà Nẵng không có giấy phép xây dựng. Ảnh: TẤN VIỆT

Phường nói quận cho tồn tại

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Thơ, chủ quán Thơ Ý (phường Mân Thái), thừa nhận quán của ông xây dựng không phép từ năm 2010. Cụ thể, thời điểm đó thấy đất trống bỏ hoang, ông Thơ tự làm quán tạm rồi buôn bán.

“Sau đó phường xuống đuổi, họ nói mình mở quán mà không xin phép. Quy tắc đô thị quận xuống kiểm tra nhưng rồi họ cũng du di cho, có phạt hành chính thôi. Đến năm 2011 đất này có chủ, trên phường khuyến khích mình thương lượng thuê lại từ chủ đất và tiếp tục bán. Cách đây vài năm phường, quận cũng có nói đi xin giấy phép mà mình cũng chưa xin được vì xin khó quá” - ông Thơ nói.

Chủ quán Thơ Ý cũng bày tỏ quán hoạt động có đóng thuế đàng hoàng, tạo công ăn việc làm cho nhân viên. “Chính quyền nên tạo điều kiện để mình bổ sung hồ sơ, còn làm ngặt quá thì mình nghỉ thôi chứ biết sao” - ông Thơ nói.

Trả lời câu hỏi vì sao để cho các quán nhậu không GPXD tồn tại thời gian dài, ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái, cho hay các quán đều xây từ năm 2008 đến 2010 khi ông Hà chưa về phường. “Vừa rồi rà soát lại, tôi có xin ý kiến nên để cho họ tồn tại vì nếu cưỡng chế, tháo dỡ sẽ thành bãi đất trống ô nhiễm môi trường. Nếu để họ tồn tại thì địa phương thu được ngân sách, đồng thời đảm bảo được bộ mặt đô thị nên để họ tồn tại và đề nghị họ khắc phục những tồn tại theo yêu cầu của TP” - ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, phường Mân Thái đã kiến nghị lên quận như trên và quận cũng thống nhất chủ trương để cho họ tồn tại.

Trong khi đó, trả lời PV, ông Hoàng Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho hay quận đang thực hiện tháo dỡ các hàng quán theo chỉ đạo của TP nhưng cần phải rà soát lại thêm. PV đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý đô thị khi để cho 17 hàng quán tồn tại nhiều năm không GPXD, ông Thanh cho hay đang bận đi kiểm tra thực tế và hẹn trưa 28-5 sẽ trả lời.

Không thể khuyến khích

Trả lời PV về những kiến nghị của chủ hàng quán và lãnh đạo phường Mân Thái cho tồn tại, ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, khẳng định là không được vì đây là quan điểm chung của lãnh đạo TP. “Trước đây, các lô đất trống được cho làm hàng quán tạm để tránh lãng phí. Nhưng xét thấy bây giờ tình hình môi trường, an ninh trật tự quá phức tạp thì không thể khuyến khích” - ông Trung nói.

_________________________________

Trong báo cáo, Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND TP xem xét bãi bỏ việc cấp phép tạm; giao Sở TN&MT kiểm tra việc bảo vệ môi trường của các quán tạm còn thời hạn giấy phép. Qua đó, yêu cầu phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, nếu không thực hiện sẽ buộc dừng kinh doanh. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Điều tiết hồ chứa Thủy điện Buôn Tua Srah, đảm bảo sản xuất và cung ứng điện mùa khô

Điều tiết hồ chứa Thủy điện Buôn Tua Srah, đảm bảo sản xuất và cung ứng điện mùa khô

(PLO)- Nhằm khai thác nước hiệu quả và có giải pháp vận hành hồ chứa hợp lý nhất, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp phối hợp các sở ngành địa phương tổ chức Hội nghị công tác phối hợp điều tiết hồ chứa Thủy điện Buôn Tua Srah đảm bảo sản xuất, dân sinh vùng hạ du và cung ứng điện mùa khô năm 2024.

Đến lúc siết tài xế vi phạm thời gian lái xe

Đến lúc siết tài xế vi phạm thời gian lái xe

(PLO)- Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vé máy bay lễ 30-4, đắt như dịp tết

Vé máy bay lễ 30-4, đắt như dịp tết

(PLO)- Dịp lễ 30-4 và cao điểm hè, các công ty du lịch thường "ôm" lượng vé máy bay lớn cho khách đoàn, do vậy giá vé còn lại trên hệ thống bị đẩy lên cao.

EVNGENCO3 hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2024

EVNGENCO3 hưởng ứng Tháng thanh niên năm 2024

(PLO)- Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3) và 20 năm Tháng Thanh niên, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) tổ chức thực hiện chuỗi hoạt động tình nguyện thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ.

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

‘Quy định ngưỡng, CSGT làm việc sao xuể’

(PLO)- Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.