Chiều 12-11, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức, UBND TP Hà Nội đã thông tin về việc cấp nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống (do Công ty CP nước mặt sông Đuống đầu tư)
Sau khi nghe đại diện TP Hà Nội báo cáo về quy mô, tiến độ, chủ trương của Hà Nội về Nhà máy nước mặt sông Đuống, báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi xoay quanh dự án này.
Trong đó có nội dung từ năm 2017, TP Hà Nội có quyết định tạm tính giá nước sạch sông Đuống tối đa là 10.246 đồng/m3 trong khi giá nước sạch sông Đà khoảng 5.000 đồng/m3. Tại sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn của các đơn vị khác? Việc vội vàng xã hội hóa đầu tư nước sạch và Hà Nội có nhiều ưu ái cho Công ty Nước sạch sông Đuống có lợi ích nhóm hay không? Dư luận lo ngại thông tin cổ phần của Nhà máy nước mặt sông Đuống bị bán cho nước ngoài, làm sai lệch chủ trương của TP Hà Nội?
Trả lời câu hỏi liên quan đến giá nước sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết việc tính giá nước sông Đuống căn cứ vào hàng loạt quy định với nguyên tắc chính “phải tính đúng, tính đủ”. Trong đó, có các loại chi phí như chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…
Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội
Về việc vì sao giá nước sông Đuống cao hơn nước sông Đà, ông Hà cho hay cả hai nhà máy trên đều tính theo nguyên tắc, quy định chung. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy.
Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỉ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng. Ông Hà giải thích hai nhà máy có sự khác nhau về quy mô đầu tư cũng như chất lượng nguồn nước thô.
“Tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỉ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước” - ông Hà thông tin.