Doanh nghiệp đang cần tiếp sức gì để vượt qua dịch COVID-19?

Một số giải pháp miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), người dân chịu ảnh hưởng vì COVID-19 đang được Chính phủ tiếp thu và họp bàn. Các nội dung chủ yếu đang được tính tới là giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III, quý IV-2021 cho hộ, cá nhân kinh doanh; giảm thuế VAT cho các DN bị ảnh hưởng nặng; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Ông nói: “Những biện pháp giảm, miễn thuế Chính phủ đang dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành, cùng với các chính sách tài khóa khác của Chính phủ thời gian qua cộng đồng DN rất hoan nghênh”.

Nỗ lực lớn của Chính phủ cần thấm sâu xuống doanh nghiệp

. Phóng viên: Vậy ông đánh giá thế nào về tác động của những gói hỗ trợ về thuế như Chính phủ đang dự kiến?

+ Ông Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, tài chính không nhiều thì các giải pháp như vậy là một nỗ lực lớn của Chính phủ. Nước ta không giàu như các nước khác để có thể tung ra những gói hỗ trợ hàng trăm, hàng ngàn tỉ USD. Vì thế, trong điều kiện ngân sách Việt Nam còn khó khăn thì việc miễn, giảm thuế cho các DN, đặc biệt cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là một cố gắng lớn.

Tất nhiên dự kiến chính sách cũng đã bao gồm cả yêu cầu về thủ tục phải đơn giản, thông thoáng, dễ hiểu để người dân và DN dễ dàng tiếp cận, hiệu quả chính sách được nâng cao hơn, thấm sâu xuống từng DN, từng hộ kinh doanh, từng gia đình và từng người dân.

. Ngoài miễn, giảm thuế, theo ông còn có thể xem xét những chính sách nào để hỗ trợ DN tốt hơn nữa không?

+ Tôi nghĩ đến nay, Chính phủ trong quyền hạn của mình đã kéo dài chính sách giãn, hoãn nộp thuế, tiền thuê đất. Đồng thời tiếp tục việc giảm nhiều loại phí, lệ phí là điều đáng ghi nhận. Tất nhiên cộng đồng DN vẫn mong rằng: Chính phủ có thể rà soát xem có những loại phí nào có thể giảm nữa hay không hoặc điều chỉnh giá những dịch vụ, mặt hàng liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Điều này rất quan trọng.

Chính phủ có thể rà soát thêm các khoản đóng góp khác như BHXH, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn… để giảm cho DN. Kinh phí công đoàn có thể được đề nghị từ 2% xuống còn 1% hoặc tốt hơn nữa thì trình QH, UBTVQH miễn kinh phí công đoàn trong giai đoạn này.

Hoặc Chính phủ cũng có thể rà soát giảm giá điện sản xuất cho DN. Bởi hiện nay ngành điện mới chỉ giảm giá điện sinh hoạt, giảm giá cho các khu cách ly, điều trị COVID-19 chứ điện cho sản xuất, kinh doanh thì vẫn chưa có động thái nào.

. COVID-19 được cho là vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo ông, đâu là những giải pháp tiếp theo để DN có thể trụ vững và phát triển sau dịch?

+ Các biện pháp như trên tôi cho là cách cứu trợ DN khó khăn. Bên cạnh những biện pháp như vậy, tôi cho rằng cũng cần chuẩn bị nền tảng phát triển sau dịch đối với các lĩnh vực tiềm năng như y tế, kinh tế số, cơ sở hạ tầng… tức là phải tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng, kích thích kinh tế. Như ở QH tôi có phát biểu thì việc tăng chi tiêu của Chính phủ, nhất là cho các đối tượng xã hội là một mũi tên trúng hai đích, vừa bảo đảm đời sống cho nhân dân vừa kích cầu.

Tôi vẫn kiên trì cho rằng cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục trong kinh doanh, chuyển đổi số… cũng cần được quan tâm nhiều hơn trong lúc này. Trong khó khăn có lẽ sự đồng thuận sẽ cao hơn khi ai cũng đồng ý tháo gỡ khó khăn để DN phát triển thì các cải cách chiến lược ấy sẽ có điều kiện triển khai tốt hơn.

Dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp bảo đảm an toàn
vẫn được hoạt động. Ảnh: VGP

Dịch còn phức tạp, tính toán bước đi dài hơn

. Nhưng điều các DN quan tâm và mong chờ có lẽ là thời điểm mà COVID-19 lắng xuống và Việt Nam có thể mở cửa thị trường.

+ Đây là một vấn đề quan trọng. Việc mở cửa thị trường hiện nay phụ thuộc vào vaccine có được phủ đến mức đạt miễn dịch cộng đồng hay không. Khi đó, giao thương, giao lưu quốc tế có thể đặt ra.

Thật ra chúng ta cần phải xác định chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh phải là hệ trọng. Hai vấn đề này là một. Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế chính là duy trì sức khỏe của DN và toàn dân. Công cuộc phòng chống dịch COVID-19 của nước ta chắc chắn phải có nền tảng là sản xuất, kinh doanh. Bởi chỉ có sản xuất, kinh doanh mới tạo ra việc làm, mới bảo đảm được đời sống an toàn cho từng công nhân, từng gia đình và toàn xã hội.

. Chúng ta vẫn đang duy trì và áp dụng những mô hình như “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”…

+ Đó là những chiến thuật đã được áp dụng và thưc thi ở một số địa phương và đã có những thực tiễn tốt để các địa phương có thể chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng đó chắc chắn là những biện pháp trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, ngân sách nhà nước có “khỏe” thì mới chống COVID được, người dân có cái ăn, cái mặc đủ đầy mới cùng Chính phủ chống dịch được. Chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh phải cân bằng.

Chúng ta đã từng quyết tâm ngăn chặn dịch, rồi quyết tâm miễn dịch cộng đồng. Nhưng những diễn biến mới nhất của COVID-19 cho thấy không lường trước được chuyện gì. Tình hình đã rất khác. Những biện pháp như “ba tại chỗ” chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, nếu kéo dài vài tháng thì có thể không hiệu quả, DN không chịu nổi, công nhân không chịu nổi. Chúng ta nên để các DN tự lựa chọn các giải pháp dựa trên các tiêu chí rõ ràng mà Nhà nước ban hành.

. Nhưng như tôi đề cập ở trên, COVID-19 vẫn được cho là diễn biến khó lường…

+ Có lẽ chúng ta cần chuẩn bị một tâm thế “trường kỳ kháng chiến”, sống chung với dịch. Một phương án dài hạn cần phải được chuẩn bị thay thế cho các phương án ngắn hạn hiện nay. Vaccine là một biện pháp căn cơ và chúng tôi rất mừng khi mới đây cộng đồng DN đã tiên phong trong việc nhập thuốc điều trị COVID-19.

Các DN cũng đưa ra nhiều sáng kiến, đề nghị được chủ động xét nghiệm nhanh để giảm tải cho hệ thống y tế, để những bệnh nhân COVID-19 nặng được cứu chữa kịp thời nhằm giảm các ca tử vong như định hướng của Chính phủ.

. Điều cuối cùng ông muốn đề cập là gì đối với mục tiêu kép mà chúng ta cố gắng duy trì suốt 18 tháng qua?

+ Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều DN đang cố gắng cầm cự hoạt động và chịu rất nhiều chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như chi phí xét nghiệm định kỳ, chi phí tổ chức sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “hai địa điểm một cung đường”… Theo phản ánh từ các DN thì các chi phí phòng chống dịch bệnh này quá lớn, DN không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của DN đang bị ăn mòn dần.

Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ DN các chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16 thành khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau. Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các DN gặp khó khăn về dịch bệnh nhất. Chính sách này cũng rất công bằng, những DN nào cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ và DN nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn.

. Xin cám ơn ông.•

Dịch tác động tới doanh thu của doanh nghiệp ra sao?

Theo báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với DN Việt Nam thì có tới 65% DN tư nhân và 62% DN FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với DN tư nhân là 36% và DN FDI là 34%.

DN tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những DN quy mô lớn. Cụ thể, mức giảm doanh thu của DN tư nhân siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn lần lượt ở mức 39%, 33%, 32% và 30%. Với các DN FDI, các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ có mức giảm doanh thu ở mức 36% và 35%, các DN quy mô vừa, lớn có mức giảm doanh thu ở mức 31% và 30%. Như vậy, có thể thấy các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19. 

Bàn tròn ý kiến:
Doanh nghiệp đang cần tiếp sức gì để vượt qua dịch COVID-19? ảnh 3

Ông VŨ TÚ THÀNH, Phó Giám đốc khu vực Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN:

Sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa các lĩnh vực

Chúng tôi tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng cần sớm xây dựng và công bố lộ trình mở cửa dần trở lại với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo khu vực với các mốc thời gian cụ thể. Các mốc thời gian này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế nhưng bắt buộc phải đặt ra để DN có cơ sở lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Bố trí đủ nhân lực, ngân sách, phương tiện cho đội ngũ hỗ trợ DN ở các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng như cứu người ở tầng cao nhất trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Cứu được một DN là cứu được cả trăm, cả ngàn người.

Doanh nghiệp đang cần tiếp sức gì để vượt qua dịch COVID-19? ảnh 4

Ông NGUYỄN ĐỨC GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:

Sớm phủ vaccine các doanh nghiệp sản xuất, bảo vệ chuỗi cung ứng

Sáu tháng đầu năm ngành dệt may xuất khẩu được 18,7 tỉ USD. Sáu tháng cuối năm nay chúng tôi nhận định nếu kiểm soát được dịch thì mục tiêu dệt may xuất khẩu 39 tỉ USD vẫn khó hoàn thành, chỉ có thể đạt ở mức khoảng 32 tỉ USD. Dù vậy, đây vẫn là một thách thức lớn.

Tôi cho rằng trong thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho người lao động, công nhân là điều rất cần thiết. Công nhân trong các ngành dệt may, thủy sản, da giày cần được tiêm để an tâm sản xuất. Hiện nay, tỉ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may còn thấp. Điều này là quan trọng khi khu vực phía Nam tập trung nhiều DN dệt may, kim ngạch xuất khẩu dệt may ở vùng này chiếm tới 62%.

Cùng đó là cần khẩn cấp đánh giá thực trạng các ngành công nghiệp để có chính sách phân bổ vaccine hợp lý cho các nhà máy, các DN sản xuất. Làm được như vậy chúng ta mới có thể tránh được đứt gãy chuỗi cung ứng. Khi đó, thách thức không tham gia được chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là có thể xảy ra.

Doanh nghiệp đang cần tiếp sức gì để vượt qua dịch COVID-19? ảnh 5

Ông NGUYỄN TUẤN, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại Hà Nội:

Nên hạ cả lãi suất cho vay

Tôi nghĩ cách hỗ trợ tốt nhất cho cá nhân, hộ kinh doanh và các DN nhỏ có lẽ là giải pháp giảm thuế VAT, giảm giá xăng dầu, giá điện, hỗ trợ các DN tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu với giá hợp lý. Bởi hiện nay, thực tế các mặt hàng lương thực như heo, gà, rau quả giá gốc rất thấp nhưng khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng trong vùng dịch thì giá rất cao do phải chịu nhiều chi phí.

Giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cũng đã được thực hiện từ năm ngoái nhưng biện pháp cần hơn có lẽ là hạ lãi suất cho các DN. Nếu các DN và cá nhân kinh doanh thua lỗ, không có lãi hoặc phá sản mà ngân hàng lãi lớn thì có thể hơi… khó coi

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm