Doanh nghiệp Hải Dương kêu cứu vì nhiều tỉnh… cấm xe

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương thiệt hại nặng nề do bị ngừng sản xuất, hoặc không thể giao được hàng cho đối tác, phải bồi thường  hợp đồng. Điều này khiến các nhà kinh doanh thiệt hại nặng nề và mất uy tín với đối tác.

Hải Dương mong muốn các tỉnh tạo điều kiện để vận chuyển hàng hóa.
Trong ảnh: Nông sản Hải Dương chuẩn bị chở ra Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: CTV

Hàng hóa sẵn trong kho mà không thể bán

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt, công ty xuất khẩu nông sản lớn tại Hải Dương, cho biết: Công ty đã bị đối tác hủy hơn 20 container hàng nông sản xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản vì không thể giao hàng đúng thời hạn.

Hải Phòng tuyên bố “không ngăn sông cấm chợ”
Thời gian qua, nhiều thông tin phản ánh TP Hải Phòng đưa ra các giải pháp mạnh trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là trong thời gian Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 16-2 đến 3-3), TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng. 


Trả lời về vấn đề này, lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định: Đây là những biện pháp để đảm bảo an toàn cho nhân dân, theo đúng quy định pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, không có chuyện Hải Phòng “ngăn sông cấm chợ” như một số ý kiến phản ánh.
ĐỖ HOÀNG 

“Công ty không giao hàng đúng thời hạn cho đối tác không phải do thiếu hàng để giao, mà do không thể vận chuyển hàng đến các cảng để xuất khẩu” - ông Trường giải thích.

Hiện nay, trong kho của Công ty Hưng Việt vẫn đang tồn kho hơn 1.000 tấn cà rốt, bắp cải chưa xuất đi được. Trong khi đó, đặc thù hàng nông sản không thể để lâu. Nói cách khác, nếu không được giao ngay cho đối tác để đem đi tiêu thụ thì sẽ bị thối hỏng, gây thiệt hại lớn.

“Nếu để tình trạng này kéo dài thì thiệt hại ngày càng lớn, như tháng vừa rồi chỉ riêng chi phí tiền điện đã mất 450 triệu đồng. Bây giờ hàng tồn cứ để trong kho, không xuất được, để lâu hư hỏng thì thiệt hại đến 7-8 tỉ đồng” - ông Trường buồn bã.

Theo chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt, hiện nay do lo ngại dịch COVID-19 nên các tỉnh không cho các xe hàng của Hải Dương đi qua. Chẳng hạn, Hải Phòng chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) công nhận. Trong khi đó, năng lực xét nghiệm tại tỉnh này đang bị quá tải dẫn đến các bất cập.

“Chúng tôi kiến nghị Hải Phòng công nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 do các đơn vị đã được Bộ Y tế công nhận, không chỉ là do CDC Hải Dương cấp. Đồng thời, kéo dài hiệu lực của kết quả xét nghiệm từ ba ngày lên ít nhất năm ngày. Vì lái xe vừa đi xét nghiệm về, chưa chạy được chuyến nào đã hết thời gian công nhận kết quả giấy xét nghiệm đó” - ông Trường kiến nghị.

Ông Chu Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Hùng Sơn, cũng chia sẻ công ty đã ký hợp đồng thu mua nông sản của bà con ở các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình. Thế nhưng do lo ngại dịch COVID-19, các tỉnh cấm xe hàng của Hải Dương đi qua nên công ty này cũng không thể đến lấy hàng để về sản xuất.

Không chỉ đối với hàng nông sản, các mặt hàng sản phẩm công nghiệp khác cũng trong tình cảnh tương tự. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam. Hiện nay, 90% hàng hóa phục vụ cho sản xuất tại công ty đều được nhập khẩu, xuất khẩu qua cảng Hải Phòng.

Tuy nhiên, theo thông tin từ các chốt kiểm dịch tại Hải Phòng, tài xế cần có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 của CDC Hải Dương trong vòng ba ngày để đi qua các chốt kiểm dịch. “Điều này gần như không thể thực hiện được vì nhiều lý do. Cụ thể, hiện CDC Hải Dương đã quá tải và tạm dừng tiếp nhận xét nghiệm nhỏ lẻ. Công ty đã cố gắng liên hệ với cơ sở có thẩm quyền khác để thực hiện xét nghiệm nhưng không được chấp nhận. Cạnh đó, trong trường hợp lấy mẫu xét nghiệm thì ít nhất sau hai, ba ngày mới nhận được kết quả xét nghiệm” - đại diện Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam cho biết.

Trước các khó khăn trên, Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam đã phải làm công văn gửi các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị vào cuộc tháo gỡ.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng

Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thừa nhận hiện tình hình trong tỉnh đỡ hơn những ngày đầu phong tỏa nhưng hàng hóa đi ra các tỉnh ngoài vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Các tỉnh giáp ranh Hải Dương đều không cho xe đi qua, đặc biệt là Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình; đi sâu vào các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An cũng gặp khó. Riêng các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh mới đầu cũng chặn nhưng giờ tình hình đã tốt hơn.

“Hàng hóa, nông sản trong tỉnh không phải không có người mua mà gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Hà Nội thông thoáng, không lập chốt, cứ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ là hàng hóa được lưu thông bình thường. Các tỉnh khác thì khó khăn quá” - ông Hải chia sẻ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã nắm được tình hình và có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 21-2. Trong báo cáo này, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác. Qua đó tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách, gây khó cho vận chuyển hàng hóa như hiện nay.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19. Từ đó bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ tài xế, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Giải cứu hàng ngàn tấn nông sản Hải Dương 
Ngày 22-2, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, cho biết đã kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản cho nông dân. Số lượng nông sản được tiêu thụ gồm hơn 250 tấn rau củ quả, 20.000 con gà thịt, hơn 10 vạn trứng gia cầm…

Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh còn hơn 4.000 tấn rau củ, gần 700.000 con gà cần tiêu thụ. Ngoài ra còn khoảng 40.000 tấn hành để bán khô và sấy.

“Nếu các tỉnh, thành khác cũng tạo điều kiện như Hà Nội thì chỉ thời gian ngắn sẽ tiêu thụ hết. Đặc biệt, nếu Hải Phòng thông thoáng như Hà Nội thì 30.000 tấn cà rốt sẽ được xuất khẩu thuận lợi” - ông Việt Anh chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm