Tọa đàm do Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực phối hợp với Đoàn Luật sư TP Cần Thơ và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho DN (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 20-8 tại TP Cần Thơ.
TS Nguyễn Thanh Tú (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) trình bày tại tọa đàm về các hiệp định tự do... Ảnh: N.NAM
Cụ thể, ông Lê Anh Văn cho rằng thách thức của công tác hỗ trợ pháp luật cho DN hiện nay là đòi hỏi DN phải nắm bắt các quy định pháp luật trong tình hình mới. Việc gia nhập các thiết chế thương mại quốc tế đa phương và song phương của Việt Nam đặt ra cho DN phải nắm bắt các quy định của pháp luật quốc tế.
“Sự quan tâm đến công tác pháp luật trong khối DNNVV còn rất mờ nhạt. Lãnh đạo DN giải quyết các vấn đề pháp luật chủ yếu khi có sự vụ xảy ra như kiện tụng, tranh chấp, tai nạn lao động, bị thanh tra, kiểm tra. Do không có biện pháp phòng ngừa nên khi có những sự vụ pháp lý xảy ra đa phần DN bị lúng túng, dùng mối quan hệ “cửa sau”, nhiều khi thua kiện mà lỗi do kiến thức pháp luật không tốt” - ông Văn cho hay.
Cạnh đó, cũng theo ông Văn, đa phần đội ngũ quản lý DNNVV không được đào tạo về pháp luật nên khi Nhà nước thanh, kiểm tra đều có nhiều vấn đề về pháp luật mà DN còn thiếu sót và vi phạm như lao động, bảo hiểm, môi trường, thuế, an toàn lao động, hợp đồng thương mại quốc tế…
Mặt khác, các DN chưa nhận thức được vai trò của hiệp hội trong việc bảo vệ quyền lợi hội viên nên khi có tranh chấp pháp lý xảy ra thì chưa chủ động kiến nghị, đề xuất giúp đỡ.
LS Trần Minh Trị cho rằng luật sư TP Cần Thơ hội nhập chưa bao nhiêu và còn nhiều khó khăn. Ảnh: N.NAM
Luật sư Trần Minh Trị - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết Đoàn Luật sư TP Cần Thơ hiện có 225 luật sư chính thức, là đoàn lớn thứ tư trên cả nước (đứng sau TP.HCM, Hà Nội và Đồng Nai). Tuy nhiên, so với yêu cầu hội nhập quốc tế, tư vấn DN, nhất là DN có yếu tố nước ngoài thì luật sư TP Cần Thơ hội nhập chưa được được bao nhiêu và còn nhiều khó khăn. Cụ thể, đến năm 2016, mới chỉ có vài văn phòng luật sư có một vài hợp hợp đồng tư vấn DN.
“Hiện nay đa số DN lớn khi đến đầu tư ở TP Cần Thơ đã tìm đến các luật sư tại chỗ để tư vấn nhưng qua tiếp xúc họ lại phải trở lên TP.HCM. Đây là một thực tế không vui với luật sư ở TP Cần Thơ. Trong khi đó, TP đang đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 20 luật sư có thể độc lập thực hiện các hợp đồng liên quan đến thương mại quốc tế. Để làm được điều này, Đoàn Luật sư TP sắp tới có chương trình dạy ngoại ngữ và kỹ năng tư vấn cho luật sư với các luật sư chuyên tư vấn quốc tế ” - luật sư Trị cho hay.