Doanh nghiệp thiếu lao động, tại sao sinh viên ra trường thiếu việc làm?

Ngày 3 và 4-11, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp tổ chức hội thảo quốc tế chuyển biến kinh tế-xã hội và giáo dục.

TS khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đưa ra vấn đề hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu lao động nhưng tại sao học sinh, sinh viên ra trường lại thất nghiệp? Ông Tiến cũng nhận định là do lao động của Việt Nam thiếu kỹ năng.

"Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014 nhận định khó khăn chính của lao động Việt Nam hiện nay không phải thiếu cầu lao động mà là thiếu hụt kỹ năng. Đây là điều đáng lo ngại. Tỉ lệ thiếu hụt kỹ năng so với mong đợi của doanh nghiệp lên tới 37,04%, trong ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế; 21,64% về trình độ ngoại ngữ; 20,53% về khả năng tư duy logic" - ông Tiến nói.

Nguyên nhân về việc thiếu kỹ năng cho người lao động là do cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp Việt Nam thiếu liên kết trầm trọng: "Muốn cung cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực các cơ sở đào tạo phải có quan hệ tương tác với các cơ quan tuyển dụng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, sở đào tạo... Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang có tình trạng gọi là "ba không", không biết, không thể và không cần liên kết, đây là cách nghĩ hết sức đáng lo ngại...".

 TS Khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng các nhà hoạch định chính sách cũng thiếu kỹ năng. Ảnh: VIẾT LONG

Về các giải pháp để học sinh, sinh viên ra trường có được việc làm, ông Tiến đưa giải pháp rằng phải khắc phục những tồn tại trên. Đặc biệt doanh nghiệp và nhà trường phải liên kết mới giúp học sinh ra trường được tuyển dụng ngay không cần phải mất công doanh nghiệp đi đào tạo lại. Về chính sách, ông Tiến cho rằng hiện đã có đầy đủ, tuy nhiên các chính sách đó vẫn đang nằm trên giấy và không triển khai được: "Như vậy có thể thấy rằng ngay cả các nhà hoạch định chính sách của chúng ta cũng thiếu kỹ năng tổ chức thực hiện" - ông Tiến nói.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho rằng hiện nay chúng ta đang đào tạo những sản phẩm dở dang. Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT nên ngồi lại với nhau để chúng ta có một bước đi đúng đắn hơn trong việc đào tạo nhân lực để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm.

Ông Đặng Quốc Bảo, nguyên Học Viện quản lý giáo dục, cho rằng muốn học sinh, sinh viên ra trường có việc làm các trường phải gắn kết với doanh nghiệp: "Chúng ta nên để cho doanh nghiệp mở trường trong xí nghiệp, các nhà trường lớn thì nên có các doanh nghiệp để cho các em vừa học lý thuyết và thực hành để nâng cao kỹ năng..." - ông Bảo góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm