Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa đưa ra dự báo trong quý IV-2015, thị trường lao động TP sẽ cung cấp khoảng 70.000 chỗ làm ổn định.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết nhu cầu tuyển dụng tiếp tục xu hướng tuyển người lao động (NLĐ) có trình độ, tay nghề; trong đó cao đẳng - đại học - trên đại học 30%, trung cấp (20%), công nhân kỹ thuật - sơ cấp nghề 15%, lao động phổ thông 35%.
Tuy nhiên, thực tế NLĐ tìm kiếm việc làm vào thời điểm này không mấy dễ dàng. Anh Nguyễn Bình Thắng, tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí chế tạo, chưa tìm được công việc ổn định. “Mong muốn của em kiếm công việc ổn định tại nhà máy nhưng đến đâu họ cũng bảo đã tuyển đủ. Có nơi nhận hồ sơ bảo chờ, có nơi “ngâm” hồ sơ không kêu phỏng vấn” - Thắng giãi bày.
Bà Đặng Thị Ngọc Thiên Hương, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, cho rằng đây là thời điểm NLĐ ổn định việc làm để làm cơ sở tính toán các khoản thưởng, phúc lợi cuối năm nên tình trạng “nhảy việc” không nhiều. “Thực tế các doanh nghiệp vẫn thông báo tuyển người để phòng khi nhân viên “nhảy việc”. Các công ty thường nhận hồ sơ của ứng viên nhưng chưa phỏng vấn mà đợi đến khi “mất” người mới gọi phỏng vấn” - bà Hương chia sẻ.
Trước thực trạng NLĐ chật vật tìm việc, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thùy Trâm, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Giải pháp nguồn nhân lực L&A, cho rằng các doanh nghiệp đang trong tình trạng “đãi cát tìm vàng” bởi nguồn lực vẫn trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.
Bà Trâm giải thích đối với các thợ lành nghề như thợ hàn, thợ điện, cơ khí, chế tạo máy… nguyên nhân họ không tìm được việc không phải do họ không giỏi nghề mà do họ thiếu kỹ năng tìm việc. Ví dụ như viết hồ sơ xin việc sơ sài, không nêu bật được sự khác biệt của bản thân so với các ứng viên khác, không nhấn mạnh được kỹ năng chuyên môn. Riêng với sinh viên mới ra trường, các em thiếu kỹ năng trình bày, diễn đạt yếu và thiếu tự tin, tạo cho doanh nghiệp sự bất an khi quyết định tuyển dụng và giao việc. Du học sinh khi xin việc thì ảo tưởng về chức danh và tiền lương cao trong khi kinh nghiệm thực tế chưa đủ rộng và sâu.
Bà Trâm khuyên người tìm việc cần phải thấu đáo các yêu cầu khác chưa được nêu lên trong bản mô tả công việc như tìm hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp, nắm bắt các thông tin về kinh doanh, đội ngũ quản lý thông qua các trang xã hội, báo chí… từ đó lên chiến lược và chiến thuật cho việc đầu quân vào doanh nghiệp. “Biết người, biết ta” mới có khả năng thắng trong việc chinh phục nhà tuyển dụng.