Ngày 19-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng quy mô 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Theo đó, khách hàng có dự án, phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản sẽ được hưởng lãi suất cho vay bằng tiền đồng với mức lãi suất thấp hơn ít nhất từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.
Chính sách lãi suất ưu đãi này sẽ kéo dài đến hết ngày 30-6-2024.
Được biết, đây là chương trình thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MBBank, ACB, NamABank, OCB, Eximbank và SHB.
Đáng chú ý, quy mô tín dụng của chương trình này dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng, cao hơn dự kiến đặt ra ban đầu. Bởi trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Được biết, ngoài việc giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp lâm thủy sản, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có nguồn lực miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này. Mức giảm các loại phí cần phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Như vậy, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai trong thời gian vừa qua, việc triển khai gói tín dụng quy mô 15.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến hết quý I-2023, đơn hàng xuất khẩu giảm 27% so cùng kỳ. Những mặt hàng chính như tôm, cá tra, cá ngừ giảm từ 30-40%.
Trong khi tình hình tồn kho tăng cao thì các đơn hàng mới cho quý II cũng chỉ đạt 30-60% so cùng kỳ năm ngoái. Không ít doanh nghiệp bắt đầu sản xuất cầm chừng và lo giải quyết hàng tồn kho.
Tương tự, trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cũng giảm gần 30% so cùng kỳ năm 2022.