Theo thông tin từ Bộ Công thương, chiều ngày 6-5 Cục xuất nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Lương thực Trung Quốc cùng 20 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu gạo Trung Quốc đã có buổi làm việc với ngành công thương và DN xuất khẩu gạo tỉnh Long An. Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại gạo tại Việt Nam từ ngày 6-10/5.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, đoàn công tác đến tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang nhằm trực tiếp đàm phán, kết nối với các DN Việt Nam để nhập khẩu gạo trong thời gian tới.
Đại diện Hiệp hội Lương thực tỉnh Sơn Tây cho biết, trước đây tỉnh Sơn Tây và một số địa phương ở Trung Quốc đã nhập khẩu gạo của Thái Lan, Pakistan. Tuy nhiên, gần đây đã chuyển sang nhập gạo của Việt Nam vì giá gạo Việt Nam tốt, chất lượng cao.
“Khi xem thực tế hệ thống nhà máy xay xát gạo, các phòng lab kiểm tra chất lượng tại công ty cổ phần Tân Đồng Tiến (Long An) chúng tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng để hiệp hội và DN Trung Quốc yên tâm hợp tác, nhập khẩu gạo với số lượng lớn trong thời gian sắp tới”, đại diện Hiệp hội lương thực tỉnh Sơn Tây nói.
Trong khi đó, đại diện tập đoàn Thâm Đồng Hâm (thành phố Thâm Quyến) cho biết để gạo xuất khẩu vào được thị trường Trung Quốc thì sản phẩm đó phải có khẩu vị phù hợp thói quen tiêu dùng, chất lượng gạo là yếu tố quyết định. Với chất lượng gạo của Long An, chắc chắn thời gian tới, gạo chất lượng cao Long An sẽ có mặt tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Hiện tập đoàn đã nhập 70% lượng gạo nếp từ Long An.
Các DN Trung Quốc cùng ban ngành công thương Việt Nam làm việc với DN xuất nhập khẩu gạo Long An (Trang web Bộ công thương).
Theo Cục xuất nhập khẩu, một lượng lớn gạo ngon Long An gần đây đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện Long An có 520.000 ha diện tích trồng lúa, sản lượng đạt khoảng 2,8 triệu tấn/năm, trong đó lúa chất lượng cao đạt 40%. Năm 2018, Long An xuất khẩu gần 470.000 tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 235 triệu USD. Thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Singapore, Malaysia, HongKong, Nam Phi…
Tính đến quý I-2019, sản lượng gạo Long An xuất khẩu đạt 150.000 tấn. Trong đó có thị trường Trung Quốc, thị trường mới có Cameroon, Philippines.
Hiện tại có 21 DN có trụ sở chính nằm trên địa bàn tỉnh Long An được phép xuất khẩu gạo trực tiếp, trong đó có ba DN được phép xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2018 tổng kim ngạch gạo nhập khẩu của Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 740 triệu USD, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc.