Chưa bao giờ yêu cầu về thay đổi cơ cấu theo hướng tinh gọn bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước lại được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Một bộ máy hành chính cồng kềnh với chức năng, nhiệm vụ chồng chéo đang làm tốn chi phí xã hội, giảm động lực phát triển, cản trở nhiều quyền tự do của người dân. Chỉ nói riêng về chi phí thì hiện tại tỉ lệ chi thường xuyên đã lên tới 72%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân sách dành cho đầu tư, phát triển và trả nợ nước ngoài không còn đáng bao nhiêu.
Quay trở lại chuyện thay đổi cơ cấu theo hướng tinh gọn ở Bộ Công Thương, dư luận có thể đặt nhiều câu hỏi về chất lượng, quy mô cũng như những lợi ích của thay đổi cơ cấu. Nhưng rõ ràng động thái quyết liệt của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thổi một luồng gió mới vào vấn đề cam go nhất hiện nay: Thay đổi bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả và liêm chính.
Thay đổi cơ cấu theo hướng tinh gọn chắc chắn sẽ làm cho cơ hội trở thành công chức của những người kém năng lực bé lại và dành cơ hội trở thành cán bộ năng động cho những người có năng lực tốt hơn, đóng góp thiết thực cho sự phát triển. Khi cơ cấu thay đổi theo hướng tinh gọn thì hẳn nhiên tình trạng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng giảm theo.
Số lượng công chức, viên chức cùng với số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng sẽ nhờ việc thay đổi cơ cấu theo hướng tinh gọn sẽ giảm đi mạnh mẽ. Ngân sách vốn đã eo hẹp sẽ không phải “oằn lưng” để chi trả cho một số lượng công chức và cơ cấu quá to so với quy mô dân số và yêu cầu phát triển của đất nước. Đó chính là những hành động cụ thể nhất để thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế.
Nếu việc thay đổi cơ cấu tại Bộ Công Thương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thành công và được triển khai rộng rãi thì hy vọng về một nền hành chính tinh gọn, liêm chính sẽ trở thành hiện thực.
Khi ấy, những câu chuyện “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm người thân, không bổ nhiệm người tài” có lẽ sẽ vắng bóng.