“Phải có phương án bảo vệ cây xanh chứ để đốn hạ kiểu này thì uổng phí lắm” - ông Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam, xuýt xoa sau khi đọc bài “Đào vỉa hè ẩu, phải đốn cây hàng loạt” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 21-1.
Ít nhất có hai biên bản được lập
Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết đơn vị thi công đào vỉa hè ở khu vực đốn cây hàng loạt là Công ty TNHH TM DV Vận tải và Xây dựng T&T. Công trình này do Ban Quản lý công trình trọng điểm thuộc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (gọi tắt là Khu 1, thuộc Sở GTVT TP.HCM) quản lý.
Vào ngày 14-1, trước tình trạng đơn vị đào vỉa hè thi công ẩu, đại diện Phòng Quản lý Công viên Cây xanh, đại diện Ban Quản lý công trình trọng điểm (thuộc Khu 1) cùng đại diện Xí nghiệp quản lý cây xanh 1 (Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP) đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng. Theo biên bản này, có tám cây loại 1, 21 cây loại 2 và một cây loại 3 bị ảnh hưởng, có nguy cơ ngã đổ cao. Biên bản ghi rõ “Công ty TNHH DV Vận tải và Xây dựng T&T có trách nhiệm bồi thường khi có sự cố ngã đổ cành do thi công gây ra”.
Những cây xanh bị xâm hại trước khi phải đốn hạ. Ảnh: KB
Đến hôm sau (ngày 15-1), đại diện Khu 1 và Xí nghiệp quản lý cây xanh 1 tiếp tục kiểm tra, lập biên bản hiện trường. Theo đó, tại đường Phan Thúc Duyện, cây bên lề số lẻ (từ số 3T đến 61T) cũng bị đơn vị thi công dùng xe cuốc đào sâu sát gốc cây khiến cây có thể ngã đổ thình lình. Trước tình trạng này, các đơn vị kiểm tra thống nhất phải đốn hạ ba cây lim sét loại 2 (mã số 7T, 9T, 47T). Nhiều cây còn lại phải hạ thấp tán, mé nhánh để tránh ngã đổ. Tại đường Hoàng Văn Thụ, cây xanh hai bên lề cũng bị đơn vị thi công xâm hại và đơn vị kiểm tra thống nhất đốn hạ bảy cây phượng vĩ (một cây loại 1, sáu cây loại 2).
Như vậy, ít nhất có hai biên bản được lập, xác định đơn vị đào vỉa hè thi công ẩu. Có 10 cây xanh phải đốn hạ để tránh ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường.
Cây tươi tốt cũng bị “xử”
Trên thực tế, những ngày qua nhiều cây xanh đang tươi tốt tại khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ bị đốn hạ hàng loạt. Trả lời báo chí, đại diện Khu 1 cho rằng trong quá trình chỉnh trang vỉa hè ở khu vực trên cũng sẽ chỉnh trang lại cây xanh. Có tổng cộng 116 cây xanh cần phải đốn hạ để chỉnh trang.
Nếu chỉnh trang có cần chặt nhiều cây như vậy không? Trong 116 cây đó có bao nhiêu cây cần chỉnh trang? Bao nhiêu cây phải đốn hạ do thi công ẩu? Trách nhiệm của đơn vị thi công trong vụ này ra sao?
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh cho rằng việc thi công cải tạo vỉa hè không quá phức tạp, do đó hoàn toàn có thể bảo vệ được cây xanh nếu có phương án thi công hợp lý. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng nên cử người giám sát, ngăn chặn tình trạng thi công ẩu xâm hại cây xanh.
“Khu 1 vừa là chủ đầu tư dự án vừa là đơn vị quản lý cây xanh ở khu vực đó nên phải chịu một phần trách nhiệm. Còn Công ty Công viên Cây xanh chỉ là đơn vị chăm sóc thuê. Theo tôi, nếu không có người giám sát độc lập rất dễ dẫn đến tình trạng bao che, hợp thức hóa các cây xanh bị xâm hại bằng cách cho đốn dưới dạng chỉnh trang” - một chuyên gia cây xanh bày tỏ.
Vị này cũng cho rằng vi phạm của đơn vị thi công trong việc xâm hại cây đã rõ nhưng trong biên bản lại không đề cập đến xử lý trách nhiệm là “không bình thường”. Ông nói: “Ít ra khi thấy họ thi công ẩu, đơn vị kiểm tra có thể gọi ngay cho Thanh tra Sở GTVT TP xuống lập biên bản, xử lý. Theo tôi, phải xử lý cả đơn vị thi công lẫn chủ đầu tư công trình”.
Ông Trịnh Kiểm cũng bày tỏ: “Trong trường hợp bất khả kháng thì đã đành chứ làm vỉa hè mà xâm hại đến mức phải đốn cây hàng loạt là không thể chấp nhận”.