Đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao bị úng lụt

(PLO)- Theo Cục Thuỷ lợi, vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao bị úng lụt do mưa lớn và mực nước hạ du sông Hồng – Thái Bình ở mức cao, làm giảm hiệu quả vận hành tiêu úng của công trình thủy lợi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp.

Dẫn bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Cục Thuỷ lợi cho biết hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính, nhưng có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70% từ tháng 9, 10-2024.

Thực tế, từ ngày 14-7 đến ngày 20-7, ở vùng đồng bằng sông Hồng cục bộ có nơi mưa to đến rất to, gây ngập lụt, úng cho nhiều diện tích cây trồng. Tính đến 17 giờ ngày 20-7, còn tổng cộng gần 56.000 ha bị ngập úng.

Trong đó, Hà Nội gần 900 ha, Thái Bình hơn 3.400 ha, Hà Nam hơn 6.500 ha, Ninh Bình gần 9.900 ha, Nam Định hơn 35.000 ha.

đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao bị úng lụt...jpg
Cục Thuỷ lợi lo mùa mưa lũ năm nay, đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao bị úng lụt. Trong ảnh: Nhiều khu phố tại Hà Nội ngập nặng sau mưa lớn vào tháng 6-2022. Ảnh: NH

“Dự báo, xu thế lượng mưa các tháng trong mùa mưa năm 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Đồng thời, các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn có thể liên tục phát điện với công suất cao và thường xuyên xả lũ.

Do vậy, vùng đồng bằng sông Hồng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, úng do mưa lớn và mực nước hạ du sông Hồng – Thái Bình ở mức cao, làm giảm hiệu quả vận hành tiêu úng của công trình thủy lợi” - Cục Thuỷ lợi cho biết.

Để giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt, úng gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Hồng khẩn trương khoanh vùng, xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, úng và có phương án ứng phó.

Cục Thuỷ lợi lưu ý các địa phương chuẩn bị kỹ phương án tiêu úng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Bên cạnh đó, Cục Thuỷ lợi đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương khu vực trên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, lũ, vận hành hồ chứa thủy điện và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, phòng, chống ngập lụt, úng cho sản xuất nông nghiệp;

Chú trọng tổ chức bơm tiêu nước đệm trong hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với thông tin dự báo mưa, diễn biến mực nước thủy triều khi có mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng phải khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước.

Sở NN-PTNT các tỉnh kiểm tra, khẩn trương duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi có nhiệm vụ tiêu úng, bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả theo đúng nhiệm vụ thiết kế, hạn chế xảy ra sự cố bất thường do chủ quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm