Nếu Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 3 thì đây là vụ thử đầu tiên dưới quyền lãnh đạo của Kim Jong-un.
Thông điệp mà NDC đưa ra cảnh báo việc phóng một loạt "các tên lửa tầm xa" và một vụ thử hạt nhân "cao cấp hơn" nhằm vào "Mỹ, kẻ thù đáng nguyền rủa của nhân dân Triều Tiên".
Hình ảnh vệ tinh do các chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân ở Mỹ phân tích cho thấy có hoạt động tại Punggye-ri, địa điểm diễn ra các vụ thử năm 2006 và 2009. Nó cũng gợi ra khả năng Bình Nhưỡng có thể đang bịt một đường hầm ở sườn núi để chuẩn bị cho một cuộc thử.
Lý do gì Triều Tiên có thể làm như vậy?
Năng lực ngăn chặn: Kể từ những năm 1960, CHDCND Triều Tiên đã nỗ lực trở thành một quốc gia hạt nhân để phòng thủ trước kẻ thù, đặc biệt là Mỹ.
Triều Tiên từng thể hiện thiện chí muốn từ bỏ các năng lực hạt nhân. Gần đây nhất vào tháng 9/2005, khi nước này nhất trí vô hiệu hóa chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ năng lượng và sự công nhận chính trị. Tuy nhiên, lập trường của Bình Nhưỡng đã trở nên cứng rắn hơn kể từ khi các cuộc hội đàm sáu bên sụp đổ vào tháng 12/2008.
Những bài học từ Libya của Muammar Gaddafi - vị đại tá đã từ bỏ chương trình hạt nhân phôi thai của mình để rồi bị lật đổ bởi phe đối lập được Mỹ và nhiều nước khác hậu thuẫn - càng khiến các lãnh đạo Triều Tiên thấy cần phải duy trì sự bảo đảm hạt nhân tối thượng của mình.
Một cuộc thử nghiệm thứ 3 có thể cho phép Triều Tiên ngăn chặn một cuộc tấn công từ Mỹ và các đồng minh. Mỹ hiện có 28.000 quân đóng ở Hàn Quốc và các mối quan hệ liên minh giữa hai nước vẫn mạnh mẽ dưới chính quyền sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak và cả người tiền nhiệm của ông, Park Geun-hye, người sẽ nhậm chức vào ngày 25/2.
Với việc Nhật Bản quyết định tăng chi tiêu quốc phòng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe, Triều Tiên có thể đang nỗ lực củng cố sức mạnh nước này trong một môi trường đang ngày càng thù địch.
Thanh thế và tính hợp pháp: Việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 2087 với nội dung lên án vụ phóng tên lửa trái phép của Triều Tiên ngày 12/12 và áp đặt một đợt cấm vận mới, càng chọc tức ban lãnh đạo Triều Tiên.
Chính quyền Bình Nhưỡng lớn tiếng phản đối các hành động của Liên Hợp Quốc, đồng thời nhấn mạnh quyền được thực hiện các vụ phóng tên lửa mà nước này khẳng định chủ yếu để phục vụ phát triển không gian hòa bình.
Vào tháng 4/2012, chính phủ Triều Tiên đã sửa đổi hiến pháp để chính thức định nghĩa nước này là một "quốc gia có vũ khí hạt nhân". Dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo trẻ 29 tuổi Kim Jong-un, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định các thành tựu kỹ thuật đạt được, gồm cả các vụ phóng tên lửa và chương trình vũ khí hạt nhân, là bằng chứng cho sức mạnh của nhà nước Triều Tiên cũng như của nhà tân lãnh đạo.
Kể từ sau cái chết của người cha Kim Jong-il năm 2011, Kim Jong-un đã củng cố địa vị của mình, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Nhà nước, đảng và bộ máy quân sự.
Tiến bộ kỹ thuật: Không như phủ nhận của Triều Tiên, các nguồn tin tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật dựa vào uranium có thể tạo đủ vật liệu phân hạch để sản xuất hai quả bom hạt nhân mỗi năm.
Không giống như các cuộc thử nghiệm năm 2006 và 2009 dựa vào plutonium, một cuộc thử nghiệm dựa trên uranium sẽ là một bước tiến hướng tới sự tinh vi về các năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Với ngụ ý về một cuộc thử nghiệm "cao cấp hơn", Bình Nhưỡng có thể chỉ đơn giản nói tới thử nghiệm một thiết bị lớn hơn, về cơ bản là lớn hơn các cuộc thử nghiệm 1 và 2 kiloton năm 2006 và 2009.
Đánh dấu thành công
Nếu Triều Tiên quyết tâm thực hiện cuộc thử nghiệm thì khả năng sự việc này có thể bị ngăn chặn là rất mong manh.
Các đòn cấm vận của Liên Hợp Quốc chứng tỏ không nhiều hiệu quả, và Trung Quốc - nước có tác động lớn nhất đối với Bình Nhưỡng do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ - có thể không muốn gây áp lực thực sự lên Bình Nhưỡng, bất kể những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng an ninh triền miên trong khu vực đang tạo thuận lợi cho hợp tác chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh theo cách không có lợi cho các lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Đối với Triều Tiên, có rất nhiều tiêu chuẩn của một cuộc thử nghiệm thành công. Về mặt kỹ thuật, một cuộc thử nghiệm sẽ là dấu hiệu chứng tỏ sức mạnh dân tộc. Nếu cuộc thử nghiệm ấy có thể được thực hiện mà không bị phát hiện rõ về các khí phóng xạ (như vụ năm 2009), nó có thể là một cơ hội để Bình Nhưỡng mở rộng thử nghiệm hợp tác với các nước đối tác như Iran.
Thử nghiệm cũng là một bước cần thiết để kết hợp các tài sản hạt nhân của Triều Tiên với các năng lực tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ để cho phép nước này tạo ra một mối đe dọa chiến lược ngay lập tức với các nước láng giềng.
Bất chấp cuộc thử nghiệm tên lửa ngày 12/12, năng lực tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn còn tương đối kém. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên hiện có nhiều nhất 30 tên lửa tầm trung, một số đội phóng giỏi về công nghệ, và phải vài năm nữa mới có thể phát triển được một chương trình tên lửa tự tạo thực sự.
Một vụ phóng tên lửa được trang bị hạt nhân sẽ càng hấp dẫn chủ nghĩa cực đoan nếu ban lãnh đạo Triều Tiên cảm thấy sự sinh tồn của chế độ là một vấn đề, chứ không phải là một phương tiện nhằm đạt được các tài sản chiến lược trong một cuộc xung đột tương lai. Vì lý do này, giá trị cơ bản của một cuộc thử nghiệm hạt nhân nhiều khả năng sẽ thiên về tính chính trị thông qua khuyếch trương thanh thế của chính phủ, thu hút sự chú ý của quốc tế và cho phép Triều Tiên tăng cường khả năng mặc cả trong các cuộc đàm phán tương lai với Mỹ và các đồng minh.
Vẫn chưa rõ liệu một đòn bẩy như vậy có đủ để thuyết phục chính quyền Obama vốn đang bận bịu với một loạt các thách thức trong nước và quốc tế từ bỏ chính sách "kiên nhẫn chiến lược" hay không.
Theo Thanh Hảo (VNN / BBC)