Động thái này xảy ra sau khi Mỹ lên tiếng cảnh báo phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Philippines kiện “đường chín đoạn” của Trung Quốc) có thể sẽ kích động Bắc Kinh tuyên bố vùng đặc quyền ở biển Đông.
Dự kiến trong tuần này Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein sẽ hội đàm với người đồng cấp Úc Marise Payne để thảo luận về việc Trung Quốc triển khai các thiết bị quân sự lên các thực thể đang tranh chấp ở biển Đông.
Báo nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Malaysia đang cân nhắc thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Trong quá khứ Malaysia thường tránh có lập trường đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông và nỗ lực cân bằng chính sách đối ngoại trong quan hệ với Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có chuyến thăm Úc vào tháng 5 tới nhằm thúc đẩy hàng loạt thỏa thuận mới giữa hai nước, trong đó bao gồm thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng.
Phát biểu trong buổi họp báo hôm 18-3 cùng với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại Sydney, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định Úc và Singapore đều cam kết duy trì quyền tự do hàng hải và bay qua ở biển Đông. Ngoại trưởng Singapore khẳng định bảo đảm an ninh hàng hải ở biển Đông là điều cần thiết và nhấn mạnh “biển Đông có tầm quan trọng đối với cả Úc và Singapore bởi hai nước đều có rất nhiều giá trị thương mại đi qua khu vực”.
Malaysia, Singapore và Úc là ba trong năm nước thành viên Hiệp ước Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) được ký kết năm 1971 (hai quốc gia còn lại là Anh và New Zealand). Các nước đã nhất trí sẽ tiến hành tham vấn mỗi bên trong trường hợp Malaysia hoặc Singapore bị đe dọa hoặc bị tấn công.
Báo Sydney Morning Herald nhận định thái độ hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông đã thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á tìm đến các mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn với Úc và Mỹ.
Nhận định này phần nào tương tự với quan điểm từ Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ. Phát biểu với hãng tin Reuters hôm 19-3, Đô đốc John Richardson khẳng định hành động ngang ngược của Bắc Kinh chỉ khiến các nước sẵn lòng hợp tác làm việc với nhau hơn.
Ông ghi nhận nhờ Trung Quốc mà Washington đã nhìn thấy cơ hội cải thiện và xây dựng quan hệ hữu hảo với Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Mỹ sẵn sàng chào đón nhiều nước khác tham gia các đợt tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông.