Dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông: Mới giải ngân được gần 213 tỉ đồng

(PLO)- Chính phủ kiến nghị giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông trước khi chỉ định thầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, Dự án được bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 119.666 tỉ đồng, cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 gần 47.200 tỉ đồng và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 72.500 tỉ đồng.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT gần 47.200 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. “Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao và tập trung giải ngân trong năm 2023”- báo cáo nêu.

Báo cáo cũng cho hay Bộ GTVT đã bố trí 257 tỉ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư và hơn 8.300 tỉ đồng cho công tác GPMB trong năm 2022. Đến ngày 15-9-2022, dự án đã giải ngân được gần 213 tỉ đồng của công tác chuẩn bị đầu tư.

Cũng theo báo cáo, Chính phủ xác định GPMB là một công việc khó và thường kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT thực hiện song song công tác thiết kế, cắm cọc GPMB với quá trình lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, trong khi các dự án trước đây công tác thiết kế, cắm cọc GPMB triển khai sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

Đến 30-6-2022, Bộ GTVT đã hoàn chỉnh và bàn giao toàn bộ cọc GPMB tuyến cao tốc cho các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng mốc tiến độ yêu cầu.

Hiện các địa phương đã thực hiện công tác đo đạc tại thực địa đạt trên 95% và kiểm kê tài sản trên đất đạt 87%; đồng thời đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù, GPMB...

“Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ các diện tích còn lại trong quý II/2023” - báo cáo nêu.

Kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu

Nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, Chính phủ cho rằng công tác GPMB vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất.

Chính phủ đã có chỉ đạo, các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện. Tuy nhiên, do khối lượng GPMB lớn, trải dài qua nhiều địa phương, quá trình thực hiện tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh (xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, khiếu nại của người dân…) gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân nên có khả năng ảnh hưởng tiến độ.

“Để triển khai công tác GPMB đáp ứng tiến độ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân” - Chính phủ cho biết.

Ngoài ra, Chính phủ đánh giá nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực.

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp, ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

“Để triển khai thi công hoàn thành Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của dự án” - báo cáo nêu rõ.

Để bảo đảm việc triển khai dự án theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 44, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án; chỉ đạo các cơ quan có liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội có ý kiến với Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ; thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra xung đột, khiếu kiện phức tạp, tạo sự đồng thuận của người dân.

Đồng thời, phối hợp cùng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, phòng ngừa vi phạm.

Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 44 với nội dung chủ yếu: Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tiến độ Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm