Sẽ có cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông?

Chiều 10-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đa số đại biểu (ĐB) đều đồng tình nhưng cũng không ít ĐB bày tỏ băn khoăn cả về sự tham gia của tư nhân lẫn thời hạn hoàn thành.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Ảnh: VIẾT LONG

Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn

ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhất trí với tính cấp thiết của việc tiếp tục triển khai đầu tư 12 dự án thành phần trên trục đường cao tốc Bắc - Nam phía đông với lý do như Chính phủ trình. Ông Lộc cho rằng việc làm dự án này “xuất phát từ cả yêu cầu chính trị, kinh tế và xã hội”.

Theo ĐB Lộc, một trong những điểm nghẽn khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa cao là do yếu kém về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì nâng cao hạ tầng giao thông là đột phá quan trọng cần ưu tiên hàng đầu. Nhưng ông Lộc bày tỏ sự hụt hẫng và tiếc nuối khi tất cả 12 dự án đều theo hình thức đầu tư công. Ông Lộc nói “lỗi không phải do PPP mà do cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn, chưa tìm được điểm “hòa” trong chính sách nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân”. Vì thế, ông Lộc nói cần sửa đổi quy định chính sách để thu hút tư nhân tham gia.

“Chính phủ có thể “tiếp sức” qua việc lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vay xây dựng giao thông, thay vì Nhà nước tự mình đầu tư. Để tiếp sức cho các nhà đầu tư tư nhân có thêm nguồn lực, để có thể chung tay với Nhà nước thực hiện phương thức đối tác công tư, tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, ngoài việc phát hành trái phiếu để huy động sức dân cần phải có thời gian, thì Nhà nước có thể chuyển ngay một phần ngân sách đầu tư công hiện có sang quỹ này cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi để tham gia các dự án đối tác công tư” - ông Lộc phát biểu và cho rằng làm việc này sẽ là “một mũi tên trúng cả hai đích”.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng nói việc Nhà nước bỏ tiền đầu tư rồi nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cũng gây băn khoăn khi hiện nay chưa có cơ chế thực hiện. Hơn nữa, nếu có thu phí thì trong 10 năm cũng chỉ được khoảng 30.000 tỉ đồng, không thể bù lại khoản Nhà nước bỏ ra.

Vì vậy, ông Cường đề nghị cân nhắc huy động PPP bằng cách tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng (GPMB), không tính vào dự án đầu tư. Tiền dành cho dự án thành phần này chuyển sang ngân hàng cho nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn thực hiện PPP và đương nhiên doanh nghiệp sẽ hoàn trả. “Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí” - ĐB Cường nêu.

Ở chiều ngược lại, một số ĐB lại ủng hộ đầu tư công dự án này. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng trong thế khó hiện nay khi nhà đầu tư khó huy động vốn, dự án cần làm nhanh thì việc đầu tư công là có cơ sở. Giải pháp ĐB Hòa đồng tình là nhượng quyền thu phí. “Dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay” - ĐB Hòa kiến nghị.

Quan trọng là giải phóng mặt bằng

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhận định công tác GPMB, tái định cư luôn làm ảnh hưởng đến dự án, là nguyên nhân chính dẫn đến sự kéo dài tiến độ của dự án. Đồng tình với việc giao các dự án GPMB cao tốc độc lập cho địa phương, tuy nhiên ĐB cũng cho rằng để thực hiện được cần có ngân sách trung ương bảo đảm. “Cần áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện GPMB và triển khai dự án” - ông Gia nói.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tổng mức đầu tư dự án được tính toán trên căn cứ cơ sở khảo sát thực tiễn, tuy nhiên trong quá trình thực hiện bộ sẽ hết sức thận trọng, bảo đảm đúng quy định và tiết kiệm nhất.

GPMB, tái định cư, theo Bộ trưởng Thể, sẽ GPMB một lần theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong đó thu hồi đất một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất được quy hoạch; tính toán tái định cư phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng lãng phí gây tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Ông Thể cũng cho biết “sẽ cố gắng GPMB trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong toàn bộ”. Ngoài ra, Bộ trưởng Thể cũng đề cập đến cơ chế đặc thù cho dự án. “Nếu không có cơ chế đặc thù, nhất là chỉ định thầu tư vấn, xây lắp… sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu có cơ chế đặc thù sẽ rút ngắn mỗi bước đấu thầu khoảng hai tháng. Tổng thời gian tiết kiệm được 6-9 tháng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án” - Bộ trưởng Thể nói.

Khi thực hiện dự án, Bộ trưởng Thể cho biết công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia ngay từ đầu nên dự án sẽ được công khai, minh bạch, xét tuyển chặt chẽ.

“Chính phủ sẽ thành lập hội đồng liên bộ để bảo đảm công khai, minh bạch” - Bộ trưởng Thể khẳng định.

Đối với một số kiến nghị về hình thức đầu tư PPP, ông Thể cho biết sẽ phối hơp với các bộ, ngành để nghiên cứu triển khai, thực hiện ở các dự án khác.•

 

Năm 2025 cơ bản hoàn thành dự án

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đầu tư thi công xây dựng 729 km trên các đoạn: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. Dự án chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỉ đồng (chiếm 81,4%); cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm