Dự án lấn sông Đồng Nai: Làm sơ sài điều quan trọng nhất!

“Tại dự án khu đô thị lấn sông Đồng Nai, điều quan trọng nhất là đánh giá tác động của dòng chảy” - Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25-5 của Bộ.

Nhận xét này được đưa ra trước khi ông Hoàng Văn Bảy (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, đào sâu các thiếu sót ở dự án lấn sông Đồng Nai do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

“Quên” mất lũ lớn

Trong phần trình bày của mình, ông Bảy nêu ra các khiếm khuyết, thiếu sót trong báo cáo đánh giá tác động dòng chảy của dự án lấn sông Đồng Nai. Theo ông Bảy, từ cuối tháng 3-2015 sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ TN&MT cùng các Bộ Xây dựng, GTVT và NN&PTNT kiểm tra dự án, xem xét hồ sơ, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Khi làm việc với cơ quan phê duyệt, chấp thuận dự án là UBND Đồng Nai thì được lãnh đạo cơ quan này nói đã mời tư vấn chuyên ngành là Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy. Cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng có mời Viện Thủy lợi và Môi trường thuộc Trường ĐH Thủy lợi thẩm tra báo cáo. Trên cơ sở đó UBND tỉnh Đồng Nai mới phê duyệt báo cáo đánh giá tác động dòng chảy rồi thực hiện bước kế tiếp làm cơ sở nghiên cứu, triển khai dự án, chủ trương tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa.

“Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động dòng chảy trên còn một số vấn đề chưa làm rõ hoặc chưa được đánh giá đầy đủ để làm sao định lượng được tác động của dự án với các vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, sạt lở bờ bãi sông” - ông Bảy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bảy, việc đặt đề bài và giải bài toán như vậy là chưa đầy đủ, đặc biệt là khi xảy ra lũ lụt kết hợp với triều cường dưới hạ du cộng với những hồ ở thượng nguồn xả lũ. “Đây là vấn đề lớn chưa được làm rõ nhưng báo cáo chưa xem xét, đánh giá tính ổn định của cả dòng sông. Số liệu trong báo cáo đánh giá tác động dòng chảy thiếu nhiều dữ kiện, từ số liệu đầu vào, thiếu đồng bộ nhất là địa hình, thủy văn. Báo cáo cũng chưa lấy ý kiến của Bộ TN&MT và việc tham vấn ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cũng rất hạn chế. Còn các địa phương trên lưu vực sông thì chưa được lấy ý kiến” - ông Bảy phân tích.

Dự án khu đô thị lấn sông Đồng Nai được các bộ, ngành liên quan chỉ ra những thiếu sót. Ảnh minh họa: DT

Thuê người mới đánh giá khách quan

“Báo cáo nêu không làm thay đổi đáng kể đến chế độ thủy lực của lòng sông, không ảnh hưởng xấu đến dòng chảy và không tác động đến bờ hai bên. Nhưng theo tôi, đây là kết luận thiếu cơ sở tin cậy để tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy chỉ ở bước sơ bộ, chỉ có thể ở giai đoạn quy hoạch, giai đoạn hình thành ý tưởng thì làm sao mang vào dự án được” - ông Bảy tiếp tục nói.

Từ những buổi khảo sát thực địa, ông Bảy cho rằng việc lấn sông đang làm chắc chắn sẽ tác động đến dòng chảy. Mức độ tác động, phạm vi tác động đến mức nào cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ bởi đây là cơ sở khoa học và tính pháp lý. Từ đó, ông Bảy cho biết dự án này có làm nữa hay không và làm như thế nào thì phải có đánh giá đầy đủ, khoa học.

“Để có đủ căn cứ khoa học việc lấn sông tác động đến xói lở, khả năng thoát lũ, đặc biệt khi có lũ lớn, triều cường và xả lũ các hồ chứa trên thượng nguồn tác động đến hạ lưu thì cần phải có tư vấn độc lập khác chứ không phải tư vấn cũ.

“Hướng đưa ra là có thể Bộ TN&MT cùng với ba trên bộ xem xét, lựa chọn tư vấn để đảm bảo tính khách quan. Sau này khâu thẩm tra, thẩm định báo cáo đánh giá tác động dòng chảy phải lấy ý kiến các nhà khoa học, các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo tính khách quan. Trên cơ sở đánh giá tác động dòng chảy được thẩm tra, thẩm định kỹ lưỡng thì sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc xử lý với dự án này ra sao. Người có thẩm quyền xử lý đối với dự án này là Thủ tướng” - ông Bảy cho biết.

TP.HCM quan ngại khát nước

UBND TP.HCM bày tỏ lo ngại đến Ủy banBảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (TP.HCM là một trong 12 thành viên) và UBND tỉnh Đồng Nai nêu rằng:Việc lấn sông Đồng Nai có thể làm thay đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng đến việc khai thác nước thô cung cấp cho hệ thống cấp nước TP.HCM nói riêng và môi trường khu vực hạ lưu nói chung.

Nếu sự lo ngại là có thật thì dự án này sẽ gây “khát” cho hàng triệu người dân TP.HCM. Bởi lẽ TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây nhà máy, ống dẫn lấy nước trên chục km về xử lý ra nước sạch cung cấp cho dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm