Ba ngày sau cơn bão số 12, các địa phương Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả khủng khiếp do cơn bão này gây ra. Ngoài Khánh Hòa được dự báo là tâm bão sẽ đi qua thì Phú Yên và Bình Định “phàn nàn” là công tác dự báo bão không chính xác.
Trong khi các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học thì cho là dự báo sát, đúng, nằm trong sai số cho phép…
“Nghĩ vô biển Quy Nhơn là an toàn”
Tại Bình Định, trạm chỉ huy tiền phương vẫn đang tích cực tìm kiếm các thuyền viên mất tích. Các cơ quan chức năng vẫn đang tìm mọi cách ngăn dầu từ các con tàu bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn tràn ra, gây thảm họa môi trường.
Trao đổi về hậu quả đáng tiếc trên, một phó chủ tịch tỉnh Bình Định nói: Một trong hai nguyên nhân khiến có đến tám tàu hàng bị chìm, hai tàu khác bị mắc cạn tại cảng Quy Nhơn là dự báo cơn bão số 12 không chính xác. Điều này đã gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Theo vị này, cảng Quy Nhơn có sức chứa tối đa 30 tàu neo đậu trú bão. Tuy nhiên, khi bão sắp vào, có đến 104 tàu hàng, trong đó có nhiều tàu công suất lớn vào khu vực cảng Quy Nhơn trú tránh. “Có rất nhiều tàu vào cảng tránh bão vì họ nghe dự báo bão sẽ đổ vào từ phía Nam Khánh Hòa trở vô nên nghĩ vô cảng Quy Nhơn sẽ an toàn. Trong đó có nhiều tàu hàng lớn chưa xin phép. Cảng vụ Quy Nhơn chỉ sắp xếp, bố trí cho 53 tàu trú bão trong khu vực cảng, còn lại phải đậu ở các phao bên ngoài để ngăn ngừa va đập, chìm tàu. Các chủ tàu neo đậu ở phao số 0 thấy là an toàn rồi bởi thông tin báo là bão sẽ đổ bộ từ Nam Khánh Hòa trở vô” - vị này nói.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, chủ tàu Thanh Hải 18, cho biết: Ngày 3-11, tàu trên hải trình TP.HCM - Quảng Ninh, khi đến vùng biển Bình Định thì thuyền trưởng nhận tin bão nên cho tàu vào khu vực cảng Quy Nhơn để tiếp nhiên liệu và trú bão. “Chúng tôi nhận tin báo là bão sẽ đổ bộ vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận nên nghĩ vào neo đậu ở vùng biển Quy Nhơn sẽ an toàn. Thế nhưng mới rạng sáng 4-11, gió bão ầm ầm đánh vào biển Quy Nhơn, sóng lớn cao 7-8 m đánh trùm qua mạn tàu làm tàu của tôi bị trôi dạt vào bờ” - ông Thuấn kể.
Lực lượng cứu nạn tiếp nhận thi thể thuyền viên mất tích trên biển Bình Định trong bão số 12. Ảnh: nhandan.com.vn
Bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Bình Định. Ảnh: TL
Tại cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng chiều 6-11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin: “Khi chúng tôi đến thăm hỏi, động viên các thuyền viên được cứu, họ nói rằng là do thông báo bão chỉ từ Nam Phú Yên trở vào cho nên tất cả tàu đều vào Quy Nhơn để trú. Họ cứ nghĩ là an toàn rồi. Họ đâu ngờ bão đổ vào biển Quy Nhơn lớn như vậy, gió mạnh đến cấp 10, giật cấp 11-12 nên gây thiệt hại nặng nề”.
Phú Yên: Bà con hỏi: “Bão đâu?”
Trao đổi với PV, lãnh đạo huyện Đông Hòa, địa phương cực Nam tỉnh Phú Yên nằm trong vùng tâm bão 12 đi qua, nói: “Tôi rất bức xúc vì thông tin dự báo cơn bão này quá lệch, nhất là dự báo bão chuyển hướng quá chậm”. “Chỉ còn một ngày trước khi bão đổ bộ vô bờ mà còn dự báo là tâm bão vô Khánh Hòa - Ninh Thuận. Chúng tôi đi vận động người dân chằng chống nhà cửa ở các vùng xung yếu, bà con hỏi: “Bão đâu mà bão, đài phát dự báo bão vô Nam Khánh Hòa - Bắc Ninh Thuận chứ có nghe ai nói Phú Yên đâu mà phòng với chống?” - vị này nói.
Theo lãnh đạo này, huyện phải thuyết phục bà con họ mới chịu chằng chống, ứng phó. Đến khi dự báo bão chuyển hướng ra Phú Yên - Khánh Hòa thì quá chậm. “Dự báo cứ nói bão vô Ninh Thuận nhưng cuối cùng có vô đâu! Suốt mấy ngày chẳng thấy bản tin nào đề cập đến Bình Định nhưng cuối cùng bão cũng vô tỉnh này. Dự báo bão như vậy là quá lệch, không chính xác, nhất là hướng đi của bão” - vị này nói.
Trước đó, ngay trong đêm 3-11, trước khi bão đổ vào đất liền, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM lúc 22 giờ 30, lãnh đạo huyện này bức xúc với việc dự báo bão. “Đến sáng nay (3-11 - PV), tâm bão ở vào khoảng 12,7 đến 12,8 độ vĩ độ Bắc và di chuyển theo hướng Tây. Huyện Đông Hòa nằm ở tọa độ từ 12,5 đến 13 độ vĩ độ Bắc. Thế nhưng họ cứ nói bão nằm ở vùng biển Khánh Hòa - Ninh Thuận. Tôi đi vận động dân ứng phó thì bà con đều nói bão trong Khánh Hòa, Ninh Thuận chứ đâu ra đây. Do đó, tôi cho anh em chạy xe phát loa nói thẳng là bão sẽ vô Đông Hòa, khi đó bà con mới chịu ứng phó”.
Theo vị này, nếu địa phương không chủ động ứng phó tốt, thiệt hại do bão tại huyện Đông Hòa sẽ lớn hơn nữa.
Ông này còn nói thêm: “Dự báo sau bão, Phú Yên nằm trong khu vực có mưa rất to đến đặc biệt to nhưng từ sau bão đến nay có thấy mưa gì đâu. Ngay trong chiều 4-11, Phú Yên đã có nắng rồi. Dự báo thế này, sắp tới địa phương đi vận động dân ứng phó bão lũ, bà con sẽ không tin!”.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chiều 4-11, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, khẳng định tâm bão đã đổ vào Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Trong cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì chiều 6-11, ông Việt cũng khẳng định bão đổ vào Phú Yên lúc 2 giờ ngày 4-11 trong khi Bộ NN&PTNT cho rằng bão vào bờ lúc 6 giờ sáng 4-11.
Bộ Nông nghiệp: Dự báo bão chính xác Trong khi các địa phương phản ứng dự báo bão sai thì tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì chiều 6-11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc dự báo cơn bão số 12 là chính xác, kịp thời từ hướng bão, tốc độ, cường độ bão, lượng mưa… Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nói: Dù các trung tâm đã rất nỗ lực trong việc dự báo đến với người dân và chính quyền địa phương song vẫn có sai số. Càng gần bờ thì sai số càng đỡ đi. Ông giải thích: Dự báo là có sai số nhưng khi bão vào càng gần bờ thì độ chính xác càng cao. Trong điều kiện thế giới hiện nay chỉ có thể dự báo được như thế thôi, kể cả những nước có nền công nghệ tiên tiến thì dự báo không thể chính xác 100% được. Vì vậy khi dự báo thiên tai bao giờ cũng có câu “phải sẵn sàng, không được chủ quan, đưa ra các phương án” nhằm giảm thiểu thiệt hại. “Cơn bão số 12 còn có sự tương tác của không khí lạnh vào hướng đi của bão cũng như mưa rất phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề mà miền Trung đang phải gánh chịu” - ông nói. Ông cho là hậu quả cơn bão số 12 lớn do chính quyền địa phương còn chủ quan, chưa quyết liệt, thiếu kinh nghiệm ứng phó với bão. Các địa phương thực hiện phương án di dân tới nơi an toàn không sát với thực tế mưa bão. Các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra. Ngoài ra, lực lượng, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chưa phù hợp. ĐẶNG TRUNG |
GS Phan Văn Tân: Cho phép sai số 100-150 km Nước Mỹ cũng bất ngờ với cường độ nhiều cơn bão. Liên quan việc các địa phương “phàn nàn” dự báo bão số 12 sai, GS Phan Văn Tân, Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: Công tác dự báo trong cơn bão là tương đối tốt. Giáo sư giải thích: Bất cứ một hiện tượng nào mà đã gọi là dự báo thì không thể chính xác 100%, tức có sai số. Trong dự báo bão thì chủ yếu là quỹ đạo bão (đường đi) và cường độ bão (sức gió) của nó. Về quỹ đạo bão, trên thế giới đã cố gắng giảm thiểu sai số nhưng đến giờ vẫn cho phép cộng trừ từ 100 đến 150 km trong vòng 24 giờ. “Ví dụ, khoảng cách từ điểm A đến điểm B dọc bờ biển mà cách nhau khoảng 100 km hoặc 150 km thì bão đi vào phạm vi nào trong khoảng cách đó đều đúng cả” - GS Tân giải thích. Về cường độ cơn bão, nó vẫn còn là thách thức với các nhà khoa học. Ngay cả Mỹ vừa qua cũng bất ngờ trước những cơn bão đổ bộ vào nước này, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ở Việt Nam, sai số 100-150 km nằm trong phạm vi cho phép và là sai số rất nhỏ. “Việt Nam cũng đã nỗ lực lắm rồi, không có gì đáng chê trách người ta được…” - GS Tân nói. |