Dự báo mới nhất của WB về kinh tế Việt Nam

(PLO)- Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2023 so với kết quả 8% của năm 2022, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong ấn bản tháng 3-2023.

Với tiêu đề “Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng”, báo cáo này nhận định Việt Nam còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng nhưng chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2023 sau khi đạt mốc cao 8% vào năm ngoài. Lý do là tăng trưởng ở khu vực dịch vụ chững lại, giá cả và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và chi tiêu hộ gia đình.

Dự báo xa hơn, WB đánh giá tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ lên mức 6,5% vào năm 2024, khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi dần.

Báo cáo của WB cũng chỉ ra những rào cản gây khó khăn như lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.

Tại buổi công bố báo cáo, bà Carolyn Turk - Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định, Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác hiện nay.

Bà Carolyn Turk nhận định Việt Nam vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. ẢNH: MINH TRÚC

Bà Carolyn Turk nhận định Việt Nam vẫn còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng. ẢNH: MINH TRÚC

Trong các giải pháp ấy, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam nên đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Theo WB, để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững.

Như vậy, cần có những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý.

Tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023 sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước. ẢNH: MINH TRÚC

Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hạ còn 6,3% trong năm 2023 sau khi đạt mốc cao 8% vào năm trước. ẢNH: MINH TRÚC

Nhắc đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tuần trước, TS Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định, đây là một vấn đề mang tính toàn cầu chứ không phải của riêng một quốc gia nào. Từ bài học của SVB, có thể thấy rõ công tác giám sát ngân hàng, giảm thiểu rủi ro tài chính là rất quan trọng.

Chuyên gia này đánh giá SVB gặp vấn đề thanh khoản khi trái phiếu mà ngân hàng này đầu tư lỗ nặng.

"Tôi nghĩ rằng có một số điểm tương đồng ở Việt Nam, khi lĩnh vực tài chính đóng một vai trò quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, giám sát hiệu quả và hành động ngay lập tức trong hoạt động ngân hàng là cực kỳ quan trọng để vấn đề tài chính không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội khác".

Dành lời khuyên cho Việt Nam, ông Ketut Ariadi Kusuma - Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang làm rất tốt công tác quản lý rủi ro lạm phát.

Tuy nhiên, để hệ thống thực sự có "sức khoẻ" tốt, Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp, tăng thêm dư địa tín dụng, xử lý một số điểm yếu như các sai phạm và đặc biệt là phải bảo vệ nhà đầu tư. Tránh hệ thống sụp đổ và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là vô cùng cần thiết.

Bổ sung thêm, ông Ketut Ariadi cho biết bảo vệ nhà đầu tư không phải là đảm bảo giữ nguyên tài sản cho họ trong trường hợp rủi ro, vì nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp, tổ chức mà mình lựa chọn.

Theo quan điểm của ông, bảo vệ nhà đầu tư ở đây là thông tin kịp thời, minh bạch về các tổ chức, doanh nghiệp, tình hình tài chính của các công ty để nhà đầu tư cân nhắc chọn lựa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm