Du lịch TP.HCM bắt đầu hồi sinh

Du lịch TP.HCM đã có những tín hiệu khởi sắc trong những ngày cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong bối cảnh thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMvề vấn đề này, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nói: “Ngành du lịch sẽ tự tin phát triển trở lại”.

Chuyển từ “ngủ đông” sang “rã đông”

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến của ngành du lịch TP.HCM sau khi thực hiện chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”?

+ Ông Lê Trương Hiền Hòa: Trong giai đoạn dịch căng thẳng, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch đóng băng, 90%-95% công ty lữ hành phải dừng hoạt động; 75% cơ sở lưu trú ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh… Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao sự thích ứng của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cũng như khu vực lưu trú.

Cụ thể các đơn vị kinh doanh du lịch tại TP.HCM đã chấp hành nghiêm túc yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Đây là cơ sở để tạo sự lòng tin cho du khách khi quay lại tham gia các hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo Sở Du lịch đã tổ chức kết nối lại với các địa phương để phục hồi du lịch nội địa. Đồng thời chúng tôi mở các tour tuyến vùng xanh như Củ Chi, Cần Giờ.

Đặc biệt chúng tôi nhận được sự hưởng ứng rất tốt từ công ty du lịch. Quan trọng nhất là một số công ty du lịch đã tự tin chuyển từ giai đoạn “ngủ đông” sang giai đoạn “rã đông”, từ đó thúc đẩy các hoạt động du lịch tại TP.HCM, giúp ngành du lịch có chuyển biến tích cực.

. Là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19, TP.HCM đã có những động thái cụ thể nào để việc khôi phục hoạt động du lịch hiệu quả?

 + Ngành du lịch TP.HCM xác định thị trường du lịch nội địa đóng vai trò chủ lực, vì vậy cần phải sáng tạo và đổi mới thích ứng với tình hình diễn biến của dịch COVID-19.

Thứ nhất, chuyển đổi cách thức kinh doanh, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 ngay từ những ngày đầu. Ví dụ vào giai đoạn cao điểm chống dịch, ngành du lịch vận động 214 khách sạn, tương ứng với 11.530 phòng làm nơi cách ly.

Thứ hai, du lịch kết nối yêu thương, thấm đậm nghĩa tình. Ngoài việc phục vụ lưu trú, ăn uống miễn phí cho đội y bác sĩ từ các nơi khác về TP.HCM, ngành du lịch đã tổ chức 30 chuyến tham quan dành cho lực lượng tuyến đầu…

Thứ ba, đẩy mạnh liên kết du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19, tạo đà phục hồi nhanh ngành du lịch. Vì vậy ngành du lịch tiên phong đẩy mạnh khởi động lại việc liên kết du lịch an toàn cấp tỉnh, cấp vùng với 15 địa phương.

Thứ tư, tập trung “biến nguy thành cơ” bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số. Sở Du lịch đã công bố và cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên Google Maps, Google Earth, bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/3600. Ra mắt phiên bản mới của website quảng bá và xúc tiến du lịch TP.HCM - visithcmc.vn, app du lịch.

Ngành du lịch có nhiều tín hiệu khởi sắc trong thời gian gần đây. Trong ảnh:Du khách TP.HCM rộn ràng du lịch trong mùa tết Nhâm Dần 2022.
Ảnh: THU TRINH

Bốn kịch bản của du lịch TP.HCM

. Ông kỳ vọng gì về ngành du lịch TP.HCM trong năm tới?

+ Tôi kỳ vọng tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên cả nước. Chúng tôi đã xây dựng hai kịch bản, bốn mục tiêu, sáu giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế, tình hình kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.

Trong đó, với kịch bản 1: Khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, khách quốc tế ước tính đạt 3,5 triệu lượt; khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước tính đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước  tính đạt 97.700 tỉ đồng.

Kịch bản 2: Khi tình hình dịch bệnh trong nước chưa được khống chế hoàn toàn, khách du lịch nội địa đến cuối năm 2022 ước đạt 18 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước tính đạt 67.600 tỉ đồng.

Để đạt mục tiêu trên, về phía Sở Du lịch TP.HCM, chúng tôi sẽ nỗ lực tối đa hỗ trợ, tăng cường chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và các tour tuyến. Do đó, khi khách du lịch quay lại và đặc biệt là khách du lịch chi tiêu cao sẽ biết thêm được những sản phẩm du lịch mới. 

Hướng đến du lịch thông minh

. Thưa ông, TP.HCM luôn đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có ngành du lịch. Năm 2022, đâu là những vấn đề trọng tâm mà du lịch TP.HCM hướng đến?

+ Ngành du lịch TP.HCM sẽ chủ động nắm bắt tình hình, chủ động phát triển trong tình hình dịch COVID-19 với phương châm biến nguy thành cơ để đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài. Tôi kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát không chỉ ở TP.HCM mà cả các địa phương trong cả nước.

Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch cũng mong các tỉnh, thành sẽ có sự đồng bộ về các quy định trong phòng chống dịch để có thể thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế phát triển.

Một trong những trọng tâm khác mà ngành du lịch TP.HCM hướng đến là thúc đẩy du lịch thông minh và xây dựng bộ dữ liệu dùng chung của TP. Song song đó, ngành du lịch TP.HCM sẽ duy trì và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước cũng như nước ngoài.

. Chính phủ đã có chủ trương cho phép TP.HCM đón khách quốc tế, vậy ngành du lịch TP.HCM đã có kế hoạch gì?

+ Chính phủ đã có chủ trương cho phép TP.HCM đón khách quốc tế; trong năm 2022 dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi.

Theo đó, Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch trên và các nội dung khác theo “Đề án đón khách du lịch quốc tế và kế hoạch đón khách du lịch quốc tế” đã tham mưu cho UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, chúng tôi cũng đánh giá ngành du lịch sẽ phục hồi theo từng bước và dịch bệnh chưa qua hết ở Việt Nam cũng như trên thế giới thì quan trọng nhất là đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19.

Tôi kỳ vọng thời gian tới chúng ta sẽ mở đường bay du lịch quốc tế không còn theo từng chuyến mà sẽ hoạt động lại bình thường như trước đây. Vì du lịch quốc tế cũng là một trong những trọng tâm của du lịch TP.HCM. Mỗi năm TP.HCM chiếm tới gần 50% khách quốc tế đến với Việt Nam. TP.HCM cũng là cơ sở, trạm trung chuyển về du lịch của Việt Nam.

. Xin cám ơn ông.

Phấn đấu mở cửa du lịch trên toàn quốc trước ngày 30-3

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét kỹ và chủ động quyết định nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh; sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30-3, chậm nhất là ngày 30-4; theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp quản lý lễ hội phù hợp với tình hình, bảo đảm an toàn.

Trước đó, Bộ VH-TT&DL đề xuất từ ngày 31-3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu quốc tế.

Kỳ vọng đón 65 triệu lượt khách năm 2022

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2021, ngành du lịch chỉ đón khoảng 3.500 lượt khách du lịch quốc tế còn khách du lịch nội địa ước tính đạt 40 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 180.000 tỉ đồng, giảm khoảng 42% so với năm 2020.

Tuy nhiên, hiện ngành du lịch đang có những tín hiệu tích cực với thị trường nội địa và bắt đầu khởi động lại với thị trường khách quốc tế. Năm 2022, ngành du lịch phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó gồm khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm