Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối thịt heo về việc tiêu thụ thịt heo.
Bộ Công Thương cho biết hiện nay giá heo hơi trên thị trường đang xuống thấp, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người chăn nuôi và khả năng duy trì nguồn cung lâu dài cho thi trường.
Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm heo hơi đến thời kỳ xuất chuồng, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT kết nối tiêu thụ mặt hàng heo đến kỳ xuất chuồng cho các hộ chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung.
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các doanh nghiệp tăng cường thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt heo.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), qua tìm hiểu thực tế, giá heo giảm là có thật, nguyên nhân chính do phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu (tiểu ngạch) trong khi nguồn cung trong nước vượt cầu.
Dẫn chứng số liệu thực tế, cơ quan này cho biết tổng đàn heo và sản lượng thịt heo luôn tăng đều qua các năm. Cụ thể tổng đàn heo cả nước tháng 2 và 3-2017 đều tăng bình quân 4% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tháng 3 ước tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến năm 2017 sản lượng thịt heo đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2016.
Người nuôi heo đang điêu đứng vì giá heo hơi giảm.
Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm 2017 khoảng 3,5 triệu tấn thịt heo hơi. Như vậy so với nguồn cung thì thịt heo dư thừa khoảng 200.000 tấn (chưa tính đến lượng nhập khẩu).
Về giá cả, hiện giá heo xuất chuồng dao động trong khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, giảm hơn 35% so với năm 2016. Giá thịt heo bán lẻ ngoài chợ dao động trong khoảng 70.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với năm ngoái. Giá tại siêu thị dao động khoảng 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với năm 2016.
Theo Vụ Thị trường trong nước, tại chợ truyền thống, người bán lẻ cho biết gần đây thương lái giết mổ có giảm giá bán (khoảng 10.000-20.000 đồng/kg) nên giá bán lẻ giảm theo.
Còn tại các siêu thị, giá thịt heo đầu vào từ các nhà cung cấp lớn không giảm nhiều do giá được ký hợp đồng từ trước (thời điểm giá heo chưa giảm sâu) và hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ một đến hai tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất. Vì vậy giá thịt tại các siêu thị không giảm nhiều.
Theo đánh giá của một chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của ngành chăn nuôi heo hiện nay là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp cảnh báo rủi ro từ các bộ ngành khiến nguồn cung thịt heo vượt nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu háng hóa, trong đó có heo sống trái phép qua biên giới đất liền nên hoạt động xuất heo sống qua biên giới phía Bắc sang Trung Quốc bị ảnh hưởng, gây sức ép lên giá thị heo trong nước.
Do đó, chuyên gia này đề xuất Chính phủ cần giao Bộ NNN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, điều chỉnh lại vùng nuôi và sản lượng nuôi. Khuyến cáo các hộ nuôi và các trang trại nghiên cứu kỹ thị trường để cân đối nguồn cung.
Còn ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đề xuất Bộ NN&PTNT cần khuyến khích doanh nghiệp chế biến và trữ đông thịt heo. Bộ Tài chính cần có cơ chế hỗ một số doanh nghiệp chế biến phẩm tăng cường thu mua heo tạm trữ, cấp đông.