Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Vietourist (TP.HCM), cho biết công ty ông có cho một công ty thuê ô tô nhưng khi quá hạn công ty này không trả. Sau đó, ông Hiếu biết chiếc xe này do một cán bộ VKSND tỉnh Đồng Nai đang sử dụng, ông có liên hệ để xin lại xe nhưng bất thành.
Tố cáo cán bộ VKS
Cụ thể, ông Hiếu trình bày: Tháng 7-2015, công ty của ông Hiếu cho Công ty TNHH Du lịch Chào Buổi Sáng (Đồng Nai) thuê chiếc ô tô Hyundai năm chỗ. Hai bên thỏa thuận thời hạn thuê là năm tháng, đến giữa tháng 12-2015 thì Công ty Chào Buổi Sáng phải trả. Chiếc xe lúc mới mua có giá gần 900 triệu đồng.
Ông Hiếu cho biết đã quá hạn thuê nhưng đến nay Công ty Chào Buổi Sáng vẫn không trả xe cho công ty ông. Ông Hiếu đi tìm ông Hoàng Bá Duy, Giám đốc Công ty Chào Buổi Sáng, để đòi xe nhưng không gặp được ông Duy…
“Sau đó, tôi nghe người ta nói ông Nguyễn Duy Tình, đang công tác tại VKSND tỉnh Đồng Nai có sử dụng xe của tôi. Nhiều lần tôi liên hệ để xin lại nhưng phía ông Tình yêu cầu phải đưa 300 triệu đồng mới dẫn đi lấy xe. Đây là số tiền quá cao nên tôi đã làm đơn tố cáo ông Tình về hành vi cưỡng đoạt tài sản và chiếm giữ trái phép tài sản” - ông Hiếu kể.
VKS kết luận cán bộ không sai luật
Tháng 6-2016, VKSND tỉnh Đồng Nai có công văn trả lời đơn tố cáo của ông Hiếu: “Qua làm việc với thanh tra, ông Nguyễn Duy Tình cho rằng ông Hoàng Bá Duy vay của ông Tình 500 triệu đồng, ngược lại ông Duy để lại một chiếc xe hiệu Mazda 3 để ông Tình sử dụng và làm tin chứ không có cầm cố. Nhưng sau đó ông Duy mượn lại chiếc xe Mazda 3 và để lại chiếc xe Hyundai (xe của ông Hiếu) để ông Tình đi lại. Tuy nhiên, giữa tháng 11-2015 thì ông Duy đã lấy lại xe”.
Cũng theo công văn của VKSND tỉnh Đồng Nai, ông Tình thừa nhận thời điểm đó có biết chiếc xe ấy ở đâu, nếu muốn nhận lại chiếc xe thì ông Hiếu phải đưa ông Tình 300 triệu đồng, ông Tình sẽ lấy giúp. Do đó, giữa ông Hiếu và ông Tình có hẹn gặp trước cơ quan VKSND tỉnh Đồng Nai để thỏa thuận việc lấy xe cho ông Hiếu nhưng thỏa thuận này không thành.
Hiện nay ông Duy không có mặt tại địa phương nên thanh tra không làm việc được. Từ đó, VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng không có cơ sở để khẳng định ông Tình đang chiếm giữ chiếc xe của ông Hiếu. Cũng không có cơ sở để khẳng định ông Tình đang có hành vi cưỡng đoạt và chiếm giữ trái phép tài sản của công ty ông Hiếu.
“Chúng tôi không bao che cho cán bộ”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn (Đội phó Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai) cho biết đơn vị này tiếp nhận được tám đơn tố cáo ông Hoàng Bá Duy thuê xe sau đó đem đi cầm cố mà không trả lại cho chủ sở hữu.
“Có tới tám đơn tố cáo gửi đến chúng tôi nhưng khi chúng tôi đi xác minh thì trên thực tế có tới khoảng 22 trường hợp. Khi trao đổi với VKSND tỉnh Đồng Nai thì VKS xác định đây là quan hệ dân sự nên CQĐT ra quyết định không khởi tố vụ án. Do đó, khi ông Hiếu làm đơn tố cáo ông Duy, chúng tôi đã hướng dẫn ông ấy khởi kiện ra tòa bằng vụ án dân sự” - Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Còn ông Phan Văn Hậu, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Đồng Nai, thì khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, ai vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó chứ không có bao che cho ông Nguyễn Duy Tình. Thực sự tôi muốn ông Hiếu khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại của chúng tôi để thanh tra VKSND Tối cao vào làm cho khách quan. Tôi không biết khi đó kết luận thế nào nhưng chắc là sẽ khách quan. Hiện ông Tình đã chuyển công tác về VKSND huyện Long Thành”.
Ngoài ra, ông Phan Văn Hậu chia sẻ thêm pháp luật cũng có những bất cập, rất khó chứng minh rằng ông Hoàng Bá Duy bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản. “Ông Duy đi đâu không rõ, chúng tôi xuống nhà xác minh thì công an nói không có mặt ở địa phương. Nếu sau này ông Duy về rồi trả chiếc xe cho ông Hiếu thì chỉ có thể là vi phạm hợp đồng về thời hạn trả xe” - ông Hậu nói.
“Tại sao không phải xe của ông Duy mà ông Tình lại lấy sử dụng?” - PV hỏi. Ông Hậu trả lời: “Do thanh tra đánh máy không rõ dẫn đến hiểu lầm, câu này có nghĩa là trước kia ông Duy có mượn tiền ông Tình nên mới đưa chiếc xe đó cho ông Tình để làm tin. Cầm cố thì phải có lãi, giữ làm tin thì không có lãi” - chánh văn phòng VKSND tỉnh Đồng Nai giải thích.
VKSND Tối cao cần vào cuộc Ông Tình đã thừa nhận: “Thời điểm đó có biết chiếc xe ấy ở đâu, nếu muốn nhận lại chiếc xe thì ông Hiếu phải đưa ông Tình 300 triệu đồng, ông Tình sẽ lấy giúp”. Thế nhưng hành vi này VKSND tỉnh Đồng Nai chưa xem xét. Là một cán bộ VKS tỉnh, hẳn ông Tình phải biết rõ việc yêu cầu ông Hiếu phải đưa 300 triệu đồng là không phù hợp với đạo đức và pháp luật. Hành vi này đã vi phạm pháp luật cán bộ, công chức. Đơn tố cáo về hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến cán bộ VKS, VKSND tỉnh Đồng Nai đã thụ lý giải quyết nhưng nội dung thông báo giải quyết chưa triệt để. Theo tôi, vấn đề này VKSND Tối cao cần kiểm tra, xem xét và giải quyết lại (theo Quy chế công tác thanh tra trong ngành kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-VKSTC-T1 ngày 22-2-2016). Bởi VKSND Tối cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo về vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức và người lao động trong ngành. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa |