“Yêu cầu không chúc tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Các tỉnh không về Hà Nội chúc tết”.
Ắt hẳn khi ra chỉ lệnh này, Thủ tướng cũng chẳng vui vẻ gì, bởi việc thăm chúc tết vốn là một mỹ tục rất đẹp của dân tộc, giờ lại phải “ngăn sông cấm chợ” thế này, thấy cứ khó coi thế nào. Nhưng biết sao được, khi dân gian đã râm ran suốt bao lâu về chuyện những hàng xe biển số xanh dài tít tắp trước cửa nhà quan trên mỗi dịp lễ, tết, giỗ vải. Có trường hợp chỉ cấp ông quan huyện, vậy mà ngày giỗ nhà sếp nhân viên cấp dưới nối đuôi nhau về lễ đến nỗi trống hoác cả cơ quan. Đó là chưa nói đến chuyện biếu quà cho sếp giá trị nhỏ, rồi sau đó cho người đến mua lại với giá trị lớn gấp rất nhiều lần.
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ trước Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ 2 vừa qua cũng cho hay “qua theo dõi cho thấy quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm…”.
Với tình trạng kể trên, chỉ lệnh của Thủ tướng chính là sự đánh động đầy kiên quyết để ngăn chặn những túi ý đồ nằm trong thùng quà lễ tết của các cấp. Đó là chuyện xin dự án, xin nâng tầng, là chuyện chạy chức chạy quyền, chạy án kỷ luật của cấp dưới… Đó là chuyện cán bộ cấp trên hay gợi mở, nhắc khéo, làm khó để “đòi quà”… Tất cả đã thành một thứ thói quen kỳ lạ, khó gỡ. Cái kiểu ai cũng thấy sai mà ai cũng làm, làm riết thành thường tình, thành rậm rịt.
Tiền lễ, tiền quà làm sao mà không đụng đến công quỹ, tiền thuế của dân… dù đã có quy định về định mức sử dụng tiền ngân sách để mua quà biếu, quà tặng nhưng ai dám chắc rằng số tiền quà tặng là đúng như thế. Từ đó mà dẫn đến tình trạng thâm hụt công quỹ, ngân sách. Để khắc phục tình trạng ấy các nơi lại phải kiếm cách “kéo chăn cho vừa chân”… cắt các khoản phúc lợi xã hội khác của dân để đắp vào. Đó chẳng phải là trục lợi của dân còn gì?
Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt như thế để khắc phục thực trạng biến tướng của quà tặng, lễ tết. Vấn đề còn lại là phải có những kênh giám sát, phát hiện vi phạm và có những quy định xử lý để trị tới nơi tới chốn, đồng thời công khai điều đó cho công luận được rõ. Còn nếu chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị thì chắc chắn chỉ lệnh rất mạnh mẽ ấy của Thủ tướng cũng khó làm xoay chuyển tình hình và mọi chuyện “vũ như cẩn” (vẫn như cũ).