Ngày 24-4, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản đối với bị cáo Vũ Mạnh Tùng (sinh năm 1980).
Theo nội dung vụ án, Tùng và ông NTP ở cùng chung cư, cả hai có mâu thuẫn từ trước. Tối 8-4-2023, Tùng thấy xe ô tô của ông P đậu tại tầng hầm chung cư nên đã dùng tay phải vỗ vào nắp chụp bánh xe dự phòng treo phía sau.
Nắp chụp bánh xe bị bung ra, Tùng dùng tay đẩy vào lại vị trí ban đầu. Sự việc diễn ra trong tích tắc nhưng khiến 3 chốt gài bằng nhựa của nắp chụp bị gãy.
Theo bản kết luận định giá tài sản ngày 5-6-2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của UBND quận Tân Phú, thời điểm định giá ngày 8-4-2023, kết luận: Tài sản bị thiệt hại là 1 nắp chụp bánh xe dự phòng ô tô, trị giá hơn 4,185 triệu đồng.
Xử sơ thẩm, VKSND quận Tân Phú đề nghị phạt Tùng 9-12 tháng tù giam. TAND quận Tân Phú nghị án kéo dài nhiều ngày rồi tuyên phạt Tùng 9 tháng tù, cho hưởng án treo; thời hạn thử thách là 18 tháng kể từ ngày tuyên án. Tùng kháng cáo kêu oan.
Bị cáo cho biết do ấm ức nên mới dùng tay vỗ vào xe ô tô của bị hại, không nghĩ có thể làm hư nắp chụp bánh xe, càng không tin nổi cái nắp chụp bánh xe dự phòng của xe ô tô hiệu Ford EcoSport đời 2018 lại có giá cao như vậy. Tùng nhiều lần có đơn đề nghị định giá lại nhưng không được chấp nhận.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Tùng thừa nhận hành vi của mình nhưng khẳng định mình bị xử lý hình sự là bị oan.
Tùng đưa ra chứng cứ là các báo giá có dấu đỏ của các hãng xe đối với việc thay mới, hoặc sửa chữa nắp chụp bánh xe dự phòng để chứng minh rằng thiệt hại về tài sản là chưa đến mức bị xử lý hình sự (chưa đến 2 triệu đồng). Cái nắp chụp bánh xe dự phòng cũng chưa được làm rõ là hàng chính hãng theo xe hay đã bị thay thế, để xác định giá trị thực tế...
Khi làm việc với cơ công an và tại phiên tòa sơ thẩm, Tùng không có ý kiến về kết quả định giá tài sản là do không thể hiểu rõ được các quy định của pháp luật về việc định giá tài sản.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đúng như bản án sơ thẩm đã nêu. Khi cơ quan công an thông báo cho bị cáo về kết luận định giá tài sản, bị cáo không có ý kiến gì. Tại các phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng đồng ý với kết luận định giá tài sản. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Luật sư: Nhiều điểm chưa ổn trong định giá tài sản
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tùng chỉ ra rằng đối với vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ quan trọng để xác định bị cáo có tội hay không có tội; tuy nhiên việc định giá tài sản trong vụ án này lại còn rất nhiều điều chưa ổn. Cụ thể là:
Thứ nhất: Biên bản họp định giá tài sản ngày 1-6-2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của UBND quận Tân Phú ghi:“Trên cơ sở báo cáo số 138/BC-TVHĐ ngày 1-6-2023 thuyết minh, giải trình về việc xác định giá trị tài sản định giá”, tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có tài liệu này.
Thứ hai: Hội đồng định giá không khảo sát trực tiếp tài sản cần định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 30/2019, mà chỉ xem qua hình.
Biên bản họp định giá không ghi “Kết quả khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá” theo quy định tại mục d khoản 2 Điều 19 Nghị định 30/2019. Vậy Hội đồng đã căn cứ vào cơ sở nào để đưa ra kết luận giá trị tài sản bị thiệt hại là 4.185.000 đồng?
Thứ ba: Tài sản chỉ bị hư hỏng 3 chốt gài bằng nhựa, có thể sửa chữa dễ dàng. Kể cả trong trường hợp không có 3 chốt nhựa này thì cũng không làm mất đi khả năng sử dụng (là cái ốp để che bánh dự phòng). Do đó, việc Hội đồng định giá tài sản bị thiệt hại trên cơ sở giá bán tài sản nguyên bộ là không đúng với quy định về Phương pháp định giá tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định 30/2019.