Đúng... vẫn phải ‘bôi trơn’

Phí “bôi trơn”, hay được gọi là “chi phí không chính thức” như trong báo cáo, là một thực tế không thể phủ nhận khi có tới 39% số DN được khảo sát thừa nhận. Điều đáng nói là DN có quy mô càng lớn thì càng phải tốn nhiều phí “bôi trơn” do bị thanh tra, kiểm tra thuế càng nhiều.

Thực tế này có lẽ không phải được vẽ nên mà ngay chính trong buổi giao ban các DN phía Bắc ngày 6-3, nhiều đại biểu đã mạnh dạn nói ra điều này. Nó lại được chứng minh bằng việc Thanh Hóa vừa đình chỉ chức vụ một phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường vì nhắn tin vòi vĩnh DN.

Một thực tế khác mà các DN có lẽ đã phải “ngậm đắng nuốt cay” khi thật thà nói rằng: Nếu phí “bôi trơn” có mức giá cụ thể thì DN cũng đưa cho đỡ phiền hà. Nhưng rất tiếc, phí “bôi trơn” lại chẳng có giá cố định. Nếu đưa ít thì không yên tâm, đưa nhiều thì… thóc đâu mà đãi gà rừng!

Nhiều DN đã tâm sự: Ai cũng muốn làm ăn đàng hoàng, minh bạch, đúng pháp luật nhưng “ai cho tôi đàng hoàng?”. DN vừa phải ngày ngày lo sản xuất, kinh doanh, đối phó với rủi ro từ thị trường biến động, vừa phải đối phó với thái độ “sớm nắng chiều mưa” của cán bộ thuế.

Bởi cũng như báo cáo chỉ ra, nếu không có phí “bôi trơn”, DN sẽ bị phân biệt đối xử. Nhẹ thì bằng thái độ kém lịch sự, văn minh. Nặng thì bằng lối suy diễn, áp đặt những mức xử lý nặng nề. Bởi thế mà ở lần thứ hai thực hiện báo cáo, dù nỗ lực tìm ra những điểm tích cực trong thực thi thủ tục hành chính thuế nhưng báo cáo của VCCI vẫn phải tô điểm những vấn đề từ DN khó tiếp cận thông tin đến chi phí không chính thức và tần suất thanh tra, kiểm tra quá nhiều.

Nhưng nói một cách công bằng, ngành thuế nói riêng và Bộ Tài chính nói chung đã đi đầu trong những cải cách, đổi mới thủ tục hành chính. Thành tích giảm thời gian nộp thuế từ 820 giờ xuống còn 160 giờ phải nói là đáng nể! Ngay cả đối với khảo sát này, cả VCCI và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đều khẳng định: Khảo sát được tôn trọng và độc lập.

Hệ thống thủ tục hành chính thuế dù còn nhiều điều phải bàn nhưng theo nhận định của nhiều DN, đó là một hệ thống tương đối minh bạch, rõ ràng. Nếu cán bộ thuế thực thi những thủ tục ấy một cách nghiêm túc, tự nguyện và trung thực, chắc chắn những vấn đề về phí “bôi trơn”, thanh tra, kiểm tra chồng chéo đã không xảy ra.

Cỗ máy hành chính khi phải “bôi trơn” mới vận hành được thì chỉ có thể kết luận: Cỗ máy đó đã… khô dầu. Dầu này có lẽ không phải là mức lương, là thu nhập mà là liêm sỉ, tự trọng của mỗi cán bộ, công chức ngành thuế.

Nếu cỗ máy không khô dầu thì chắc chắn không cần những khảo sát của VCCI cũng như nhiều tổ chức khác về các bộ phận của bộ máy hành chính. Bởi khi đó sự hài lòng của người dân và DN là lẽ tất nhiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới