Đường 'nhuệ' nói về việc chiếm giữ Công ty Lâm Quyết

Sáng 11-5, tại TAND tỉnh Thái Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết, chủ Công ty TNHH Lâm Quyết.

Đề nghị triệu tập nhiều điều tra viên

Ngoài bị vợ chồng bị hại Đỗ Văn Tới và Lê Thị Tuyết (trú TP Thái Bình), Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”) và con trai nuôi Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”) cũng bị triệu tập với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng. Tuy nhiên, Tiến “trắng” không có mặt tại tòa.

Đường “nhuệ” được xe đặc chủng cảnh sát chở đến tòa, được bố trí cho ngồi riêng một phòng và theo dõi phiên tòa qua màn hình. Hình ảnh của Đường cũng được chiếu tại phòng xét xử.

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình ngày 12-6-2019, vợ chồng Lẫm có vay của vợ chồng ông Tới, bà Tuyết 900 triệu đồng, có hợp đồng vay tiền, thế chấp xe ô tô. Tuy nhiên, trong năm 2017, vợ chồng ông Lẫm lại viết giấy bán xe cho một người khác.

Tòa sơ thẩm phạt Lẫm 14 năm tù, Quyết 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngày 28-4, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo từ tạm giam sang bảo lĩnh.

Vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết tố cáo Đường "nhuệ" chiếm giữ, đập phá công ty.

Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập ông Cao Giang Nam, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình và một số điều tra viên của Công an TP Thái Bình đã điều tra ban đầu đối với vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Luật sư cho rằng vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng nên cần triệu tập những người này để tranh luận làm rõ xem có vi phạm tố tụng, oan sai hay không. Chủ tọa phiên tòa nói trong quá trình xét xử xét thấy cần thiết sẽ triệu tập.

Vợ chồng bị cáo khai vay của ông Tới hai lần tổng số tiền 900 triệu đồng có hợp đồng vay vốn, thế chấp xe nhưng đã trả tiền. Ông Tới viết giấy nhận tiền nhưng giấy đó để ở văn phòng công ty đã bị mất sau khi nhóm Đường chiếm giữ công ty.

Vợ chồng bị cáo khai còn vay của vợ chồng ông Tới hơn 1,1 tỉ đồng, chỉ ký sổ không thế chấp và chưa trả.

Vợ chồng bị cáo cho rằng không trốn nợ. Do chiều 3-10-2017, Đường tới công ty xiết nợ, gọi điện thoại đe dọa giết, chặt chân nên bị cáo mới sợ hãi không dám về công ty.

Vợ chồng bị cáo đã nhiều lần tố cáo hành vi của Đường tới Công an TP Thái Bình nhưng không được giải quyết rốt ráo, không khám nghiệm hiện trường.

Vợ chồng bị cáo tố cáo ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, có dấu hiệu bao che cho Đường nhưng cũng không ai giải quyết.

Đường “nhuệ” phủ nhận chiếm giữ doanh nghiệp để xiết nợ

Các nhân chứng là công nhân Công ty Lâm Quyết khai sau khi nhóm Đường “nhuệ” chiếm giữ doanh nghiệp, ngày 4-10, các công nhân tới làm bị các thanh niên xăm trổ không cho làm. Nhân chứng cho rằng Đường đã đuổi tất cả người của công ty ra khỏi trụ sở và chiếm giữ công ty tới tận ngày 19-10.

Đường "nhuệ" phủ nhận, cho rằng nhóm này không chiếm giữ, đập phá, cướp đoạt tài sản của Công ty Lâm Quyết.

Tại tòa, Đường thừa nhận có gọi điện thoại đã đe dọa giết, chặt chân, ép chuyển nhượng công ty nhưng lúc đó bức xúc nóng giận nói vậy chứ không phải vậy.

Đường thừa nhận chiều 3-10-2017 có dẫn con nuôi là Tiến “trắng” tới Công ty Lâm Quyết thấy có rất nhiều người tập trung định lấy tài sản, Đường đã không cho ai lấy bất cứ tài sản nào mang đi.

Tuy nhiên, Đường không thừa nhận việc chiếm giữ, đập phá, cướp đoạt tài sản của công ty như vợ chồng bị cáo và các nhân chứng tố cáo.

Tòa hỏi Đường đã lấy những tài sản gì của Công ty Lâm Quyết. Đường nói không lấy gì. Tòa hỏi có biết ai đập phá tan hoang Công ty Lâm Quyết không. Đường đổ cho người khác chứ không phải nhóm mình thực hiện.

Trước câu hỏi của đại diện VKS, Đường thừa nhận khi đưa người tới “canh giữ, bảo vệ tài sản cho Công ty Lâm Quyết” đã không được ông Lẫm đồng ý, ở lại qua đêm tại công ty không khai báo tạm trú. “Nhà anh anh không cho phép ai đến thì có ai được vào nhà anh không?” - đại diện VKS hỏi. Đường nói không được vào.

Đường còn cho rằng anh ta không vi phạm gì khi chiếm giữ Công ty Lâm Quyết. Tuy nhiên, đại diện VKS nói Đường không xác định được vi phạm thì cơ quan tố tụng sẽ làm rõ việc buộc Đường thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Trưa 11-5, sau khi chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa nghỉ trưa, chiều tiếp tục xét xử, bị cáo Lẫm đã bị tăng huyết áp nằm trên ghế của phòng xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm