18h, HĐXX vụ Trịnh Văn Quyết lừa đảo và thao túng chứng khoán kết thúc ngày làm việc đầu tiên. Ngày mai (23-7), HĐXX tiếp tục xét hỏi.
Là người cuối cùng trả lời xét hỏi trong ngày hôm nay (22-7), ngay khi được gọi lên bục khai báo, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga nghẹn ngào khóc và trình bày mối quan hệ “là em gái anh Quyết, chị gái em Huế”.
Em gái ông Trịnh Văn Quyết bị truy tố về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Tại phiên tòa, bà Nga thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận đã ký các hợp đồng ủy thác đầu tư. Tuy nhiên, bà Nga nói rằng “việc này là do em gái Trịnh Thị Minh Huế bảo, bị cáo không nhớ ký khi nào, Huế cũng không nói ký để làm gì”.
Theo lời khai của bị cáo Nga, đến khi làm việc với CQĐT mới biết các hợp đồng này. Ngoài ra, bà Nga cũng thừa nhận có nhờ nhân viên cấp dưới cho mượn thông tin để đưa Huế mở tài khoản chứng khoán, lập hợp đồng ủy thác. Nội dung hợp đồng, bị cáo không nắm rõ vì lúc đó Huế mang hồ sơ đến phòng làm việc của bà Nga rồi nhờ nhân viên qua phòng ký.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS từ năm 2018. Với vai trò này, bà Nga đã cấp sức mua cho những tài khoản thao túng chứng khoán để thu lợi bất chính.
Cụ thể, đầu ngày Huế báo danh sách tài khoản cần cấp, số tiền rồi bà Nga báo lại nhân viên để can thiệp phần mềm cấp sức mua cho các tài khoản chứng khoán.
“Số tiền ảo nhưng khách hàng vẫn có thể đặt lệnh mua chứng khoán rồi sau đó nộp tiền. Bị cáo chỉ biết phần cấp tiền cho tài khoản, cụ thể mua cổ phiếu nào thì không biết” – bà Nga khai.
Em gái cựu Chủ tịch FLC nói rằng bản thân không được bàn bạc, không được hưởng lợi gì, chỉ là người làm công ăn lương và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Theo cáo buộc, bị cáo Nga đã giúp ông Quyết, bà Huế ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để hợp thức hóa việc nâng khống vốn góp của Công ty Faros, giúp ông Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên sàn HOSE rồi bán chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Bà Nga còn chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để thao túng giá đối với 4 mã cổ phiếu HAI, GAB, ART, FLC.
Không hiểu biết pháp luật chứng khoán nên phạm tội
Trong số các bị cáo, bị cáo nhiều tuối nhất trong vụ án là ông Lê Văn Sắc, năm nay 75 tuổi. Ông Sắc trình bày rằng ông là người cùng quê với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Vợ ông Sắc là chị em họ xa với ông Quyết.
Bản thân ông không vay tiền, không góp vốn, không là cổ đông Công ty Faros. Tuy nhiên, bị cáo được bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, bị cáo Trịnh Văn Quyết nhờ đứng tên cổ phần.
“Khi tôi ký giấy tờ không ghi số cổ phần, không ghi số tiền, thực chất là ký giấy tờ khống. Tôi không nhớ được thời gian đó mình làm như thế nào” – ông Sắc khai.
Ông Sắc khai sau khi nghỉ hưu, ông không nắm bắt được pháp luật chứng khoán, sau khi được Bộ Công an, VKS chỉ ra, ông đã biết việc làm của bản thân là sai.
Bị cáo trần tình thêm rằng: “Tôi rất tin tưởng anh Quyết, ai cũng nghĩ anh Quyết có tiền thật vì Tập đoàn FLC lúc đó rất phát triển. Tôi nhận thấy mình sai, xin xem xét mức độ hành vi cho tôi, tôi cũng là nạn nhân của anh Quyết như nhiều người ở đây”.
Theo cáo buộc, ông Lê Văn Sắc đã giúp bị cáo Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế đứng tên là cổ đông góp vốn để hợp thức việc tăng vốn góp khống, ký hợp đồng ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng vốn khống. Từ đó, giúp ông Quyết niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn HOSE rồi bán cổ phiếu chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Nhiều bị cáo khác như bị cáo Lê Tân Sơn, Đặng Thị Hồng, Đàm Mai Hương, Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Như Tuấn... đều khai rằng chỉ là người làm công ăn lương, không góp vốn, không phải là cổ đông nhưng vẫn ký các hợp đồng, chứng từ hợp thức việc tăng vốn khống của Công ty Faros. Qua đó, giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết.
Các bị cáo này đều xin HĐXX xem xét mức độ hành vi và giảm nhẹ vì họ không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác, bản thân họ không được hưởng lợi gì, chỉ là người làm công ăn lương.