F-35 tàng hình vẫn có thể bị radar Nga, Trung Quốc phát hiện

F-35 tàng hình vẫn có thể bị radar Nga, Trung Quốc phát hiện ảnh 1Máy bay tàng hình F-35B. (Nguồn: Lockheed Martin)

F-35 là sản phẩm kết hợp công nghệ của các công ty Mỹ và Anh, trong đó có BAE, Rolls-Royce và Lockheed Martin. Nó có thể đạt tốc độ tối đa 1.300 dặm/giờ và được thiết kế để có thể bay qua không phận cũng như tấn công các mục tiêu của đối phương mà không bị phát hiện.

Anh đã bỏ ra 1,3 tỷ bảng để phát triển loại máy bay chiến đấu tối tân này và Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch mua 48 chiếc như vậy với chi phí 100 triệu bảng mỗi chiếc.

Tuy nhiên, theo tiết lộ mới đây của các chuyên gia quốc phòng Anh, máy bay F-35 vẫn có thể bị các hệ thống radar của Nga và Trung Quốc phát hiện.

Bà Elizabeth Quintana, thuộc Viện nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), xác nhận năng lực tàng hình của F-35 có điểm yếu và các kẻ thù của Anh sẽ lợi dụng điểm yếu này.

Bà Elizabeth nói: "Kỹ thuật radar đã có sự phát triển và chúng ta nên đề phòng. Hệ thống phòng không của Nga có thể phát hiện được F-35 trong khi công nghệ được lắp đặt trên các tàu khu trục của Trung Quốc cũng rất đáng lo ngại. Vấn đề mấu chốt ở đây là liệu F-35 có thể kịp tấn công trước khi bị phát hiện hay không."

Dù thừa nhận khả năng tàng hình của F-35 là "báu vật chính" của nó nhưng bà Quintana cũng bày tỏ lo ngại về những bước tiến lớn mà Nga đạt được trong công nghệ chống máy bay và sự kết hợp công nghệ mà Trung Quốc đang sử dụng trên các tàu chiến của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond vẫn cam kết mua 48 chiếc F-35 để trang bị cho tàu sân bay Queen Elizabeth Class mới của Hải quân Hoàng gia từ năm 2018 với tổng chi phí 4,8 tỷ bảng.

Cho đến nay, khả năng tàng hình của F-35 - còn được gọi là "tàng hình VLO" (tức là khả năng nhận thấy được rất thấp) - có được nhờ hình dáng và công nghệ sơn đặc biệt. Máy bay tàng hình sử dụng các bề mặt phẳng và các gờ sắc cạnh để vô hiệu hóa các tín hiệu radar. Tuy vậy, mối đe dọa mới với F-35 chính là một hệ thống mới có tên AESA - Active Electronically Scanned Array - hoạt động bởi việc phát ra các sóng vô tuyến riêng rẽ trên các tần số khác nhau.

Bằng cách liên tục thay đổi tần số, radar này sẽ khó bị đánh lừa hơn. Trung Quốc hiện đã lồng ghép AESA vào một hệ thống radar mới lắp đặt trên các tàu chiến hiện đại nhất của họ và hệ thống này có khả năng phát hiện một máy bay tàng hình trong phạm vi 220 dặm.

Trong lúc này, các phi công chiến đấu của Anh và Mỹ đang tiếp tục thử nghiệm các mẫu bay của F-35 tại Căn cứ không quân Elgin ở Florida (Mỹ). Các chuyến bay thử cũng đã làm bộc lộ các vấn đề phần mềm máy tính và các vấn đề nảy sinh khi chiếc máy bay đi vào vùng thời tiết xấu - bao gồm cả nguy cơ máy bay phát nổ khi bị sét đánh.

Phản ứng trước đánh giá của chuyên gia RUSI, Bộ Quốc phòng Anh vẫn khẳng định F-35 là máy bay chiến đấu tân tiến nhất thế giới và từ năm 2018 các lực lượng Hải quân và Không quân Hoàng gia đều sẽ được trang bị vũ khí tàng hình tối tân này cùng các loại vũ khí và cảm biến hiện đại.

Bộ này cũng khẳng định máy bay F-35 đã được thiết kế theo hướng có thể được cập nhật công nghệ mới trong suốt vòng đời của nó để đảm bảo chống lại được những mối đe dọa đang nổi lên./.

Theo Đỗ Sinh/London (Vietnam+) 

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 17-2: Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 1 người tử vong

Bản tin trưa 17-2: Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 1 người tử vong

(PLO)- Bị phản ứng vì chọc ghẹo cô gái, quay qua đập phá quán ở Tân Bình, TP.HCM; Thi thể nữ giới dạt vào bờ biển Ninh Thuận; Chìm thuyền trên sông Gianh, 3 người kịp bơi vào bờ, 1 người tử vong; Bộ GD&ĐT: Bỏ xét tuyển sớm, công bố quy chế tuyển sinh trong tháng này; Nhận định diễn biến giá vàng thế giới sau làn sóng chốt lời.

Đọc thêm

Thổ Nhĩ Kỳ bàn với Mỹ chuyện loại S-400 Nga để mua F-35?

Thổ Nhĩ Kỳ bàn với Mỹ chuyện loại S-400 Nga để mua F-35?

(PLO)- Có thông tin rằng để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập trở lại chương trình F-35, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Ankara bàn giao các hệ thống S-400 mua từ Nga cho Mỹ hoặc di chuyển những hệ thống này tới khu vực do Mỹ kiểm soát ở căn cứ Incirlik.

Lý do MiG-35 chật vật tìm người mua trong khi MiG-29 được ’sủng', dù cùng là tiêm kích Nga

Lý do MiG-35 chật vật tìm người mua trong khi MiG-29 được ’sủng', dù cùng là tiêm kích Nga

(PLO)- Cùng là tiêm kích Nga nhưng lại có số phận hoàn toàn khác nhau, trong bài viết "Cùng là tiêm kích Nga, tại sao MiG-29 được 'sủng' còn MiG-35 chật vật tìm người mua?" chúng ta biết MiG-29 đã được bàn giao tới hơn 40 nước trong khi MiG-35 gần như vắng mặt trong các hoạt động nghiệp vụ tại Nga và cũng chưa tìm thấy khách hàng nước ngoài, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao.