Tối qua (theo giờ Việt Nam), FED đã có quyết định quan trọng khi tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% lần thứ hai liên tiếp, bỏ ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng thời phủ nhận suy đoán suy thoái đối với kinh tế Mỹ.
Sau thông tin FED tiếp tục nâng mạnh lãi suất thêm 0,75%, thị trường chứng khoán trong nước giao dịch hứng khởi cao cả về dòng tiền lẫn điểm số.
Chứng khoán Việt Nam có phiên tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 28-7. Ảnh: MINH TRÚC |
VN-Index có khởi đầu thuận lợi khi tăng dựng đứng sau phiên ATO mở cửa và dần tăng thêm độ cao, sau đó có sự chùn bước nhẹ về cuối phiên nhưng vẫn đóng cửa tăng mạnh trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm sau một tháng thử thách.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên tăng 17,08 điểm (1,43%) lên mốc 1.208,12 điểm. Trong khi đó HNX-Index cũng bứt phá 5,32 điểm (1,87%) đạt 289,84 điểm và UPCoM-Index tăng 0,71% ở 89,5 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất VN30 như thường lệ vẫn là nhóm dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường. Rổ chỉ số này tăng 16,71 điểm (1,37%) trong phiên với 26/30 mã tăng giá.
Tác động tích cực nhất đến chỉ số chung là các cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Chẳng hạn VRE của Vincom Retail tăng trần lên 28.100 đồng sau khi báo lãi quý II cao gấp đôi cùng kỳ.
Đại gia ngành bia Sabeco (SAB) báo lãi quý II kỷ lục đã giúp cổ phiếu nhảy vọt 3,2% lên 173.000 đồng. Ông lớn khu công nghiệp là Becamex (BCM) bứt phá 5% lên 71.900 đồng sau khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý vừa qua tăng trưởng đến 91% đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng cũng đóng góp rất tích cực vào xu hướng chung. Trong đó BID của BIDV tăng giá 2,7% lên 36.500 đồng, VPB của VPBank tiến thêm 2,5% lên 28.400 đồng, CTG của VietinBank tăng 2,2% hay STB của Sacombank nhảy vọt 6,1%...
Dòng tiền thị trường cũng phân bổ khá đồng đều ở nhiều nhóm ngành khác giúp các chỉ số ngành cũng lấy được sắc xanh, các cổ phiếu tăng giá ấn tượng như bất động sản, chứng khoán, thép, phân bón, thủy sản, dệt may, năng lượng...
Ngược lại, nhóm tác động xấu chỉ xuất hiện ở một số cổ phiếu riêng lẻ, đáng kể nhất là BVH của Bảo Việt quay đầu giảm 1% về 56.600 đồng sau phiên bứt phá hôm qua.
Cổ phiếu ngành chăn nuôi heo ghi nhận DBC của Dabaco lao dốc về giá sàn 24.600 đồng và HAG của Hoàng Anh Gia Lai rơi 2,7% còn 11.000 đồng. Cổ phiếu bán lẻ có MWG và FRT cũng suy giảm.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư còn thể hiện khá rõ nét ở độ rộng của thị trường. Toàn sàn ghi nhận 765 mã tăng giá so với 215 mã giảm giá và 161 mã đứng tại tham chiếu.
Dòng tiền cũng bất ngờ được thu hút trở lại trên sàn chứng khoán với tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt 18.350 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 13.956 tỷ đồng, tăng vọt 75% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6 đến nay.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng hòa vào sự hưng phấn chung khi họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.446 tỷ và bán ra 760 tỷ, tương đương mua ròng 686 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã được gom nhiều trong phiên là KDC (262 tỷ), STB (92 tỷ) và SSI (59 tỷ).
Chứng khoán Mỹ đã bứt phá mạnh mẽ sau những tín hiệu về quá trình tăng lãi suất có thể chậm lại tại một thời điểm nào đó. Ảnh minh họa: REUTERS |
Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đã tăng điểm
Chứng khoán Mỹ đã bứt phá mạnh mẽ sau những tín hiệu về quá trình tăng lãi suất có thể chậm lại tại một thời điểm nào đó.
Cụ thể, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng 1,5%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,6%.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 3,08%, từ mức 3,06% vào cuối ngày 26/7. Còn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,77%, từ mức 2,79% trước đó.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa tăng 0,6% lên 7.348,23 điểm.
Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,5% lên 13.166,38 điểm trong khi chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng 0,8% lên 6.257,94 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,9% lên 3.607,78 điểm.
FED đã tăng lãi suất vào tháng trước thêm 0,75% lần đầu tiên kể từ năm 1994 sau khi lạm phát tăng cao hơn trong tháng 5/2022 so với dự kiến của các nhà kinh tế.
Mặc dù các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed đã kìm hãm thị trường nhà ở, thúc đẩy sự gia tăng nhẹ của việc sa thải lao động, nhưng điều này vẫn chưa tạo ra tác động đáng kể đến vấn đề lạm phát.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố trong tháng này, giá tiêu dùng đã tăng 9,1% hàng năm trong tháng 6/2022.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức hàng đầu khác đã khẳng định Fed sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và khả năng suy thoái trong ngắn hạn.
Ông Powell cũng thừa nhận Fed có rất ít khả năng để giảm giá thực phẩm và năng lượng, nhưng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát không “quay đầu đi xuống”.
Ông Powell và nhiều nhà kinh tế cho rằng việc để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn là do lãi suất cao hơn gây ra.
Trong khi các nhà kinh tế cho rằng thị trường việc làm mạnh mẽ là một dấu hiệu trấn an cho nền kinh tế Mỹ, một số người tin Fed đã đẩy Mỹ đến bờ vực suy thoái kinh tế và nên giảm tốc cuộc chiến chống lạm phát.