Trước trận khai mạc tại Sydney giữa đội đồng chủ nhà Úc và Ireland, FIFA choáng váng khi chín trụ cột của đội tuyển Úc, trong đó có đội trưởng, siêu tiền đạo Samantha Kerr (Sam Kerr), thực hiện một cuộc video call và gửi clip lên FIFA.
Lại vẫn là đấu tranh đòi bình quyền với bóng đá nam
Nội dung của cuộc gọi và clip này là lên tiếng tranh đấu đòi bình đẳng giới trong thu nhập nghề bóng đá với các đồng nghiệp nam.
Chín trụ cột của đội tuyển Úc đã thẳng thắn lên tiếng với các nội dung: Thứ nhất, việc mỗi cầu thủ nữ dự World Cup 2023 được nhận tối thiểu 30.000 USD là quá thấp so với đồng nghiệp nam tại World Cup 2022. Tại Qatar, 32 đội nam dự World Cup được FIFA chi trả tiền công là 440 triệu USD, trong khi World Cup nữ 2023, con số đó chỉ là 152 triệu USD. Các cầu thủ Úc nói rằng cùng là World Cup nhưng các cầu thủ nữ lại nhận khoản tiền công quá chênh lệch so với các đồng nghiệp nam.
Chín trụ cột đội tuyển Úc thực hiện video call và gửi clip lên FIFA trước trận khai mạc. Ảnh: GETTY IMAGES |
Bên cạnh đó, các cầu thủ Úc cũng lên tiếng đòi giải nội địa Úc, họ cũng phải được trả công sòng phẳng như giải A-League, giải vô địch quốc gia Úc dành cho cầu thủ nam. Họ phân tích rằng nguồn tiền bóng đá nữ Úc mang về từ giải vô địch nữ không hề nhỏ so với các cầu thủ nam.
Thậm chí, chín trụ cột trong đội tuyển nữ sẵn sàng “đình công” không ra sân thi đấu trận khai mạc với Ireland nếu nguồn thu của các cầu thủ nữ không được cải thiện bằng những đồng nghiệp nam.
Thông tin từ truyền thông Úc cho biết trước trận khai mạc Úc - Ireland, các cầu thủ Úc và LĐBĐ Úc đã đạt được những thoản thuận ngầm chỉ vài giờ trước khi bóng lăn. Điều đó có nghĩa là giải nội địa nữ của Úc sẽ tăng thu nhập đáng kể cho các cầu thủ nữ.
Cuộc đấu tranh bình đẳng giới trong thu nhập đang lan rộng sang nhiều đội tuyển, nhiều quốc gia và đã bắt đầu gõ cửa lên FIFA.
Sau những phiên tòa bóng đá nữ đòi bình quyền, FIFA cũng bị gõ cửa
Việc các cầu thủ nữ Mỹ hay Canada và cả các cầu thủ châu Phi từng đấu tranh đòi bình đẳng, thậm chí là lôi nhau ra tòa từng xảy ra rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự việc đấu tranh đòi bình đẳng lên LĐBĐ quốc gia rồi lên tiếng đòi bình quyền ở FIFA thì mới có đội Úc nổ phát pháo đầu, lại là lên tiếng và cả “dọa” trước trận khai mạc World Cup rõ ràng khiến FIFA có những bất an nhất định.
Nếu trước đây bóng đá nữ còn ở dạng “ăn theo” bóng đá nam và World Cup nữ rất lép vế so với bóng đá nam trong việc kéo các đối tác đến tham gia thì nay bóng đá nữ đã thu hút lượng khách hàng và nhãn hàng lớn rất nhiều.
Bóng đá nữ từ việc FIFA phải chi cho các giải nay đã làm ra rất nhiều tiền ở những giải lớn như World Cup, giải nữ trong nước. Khán giả giờ cũng rất thích khi xem các nữ cầu thủ thi đấu và sân bóng giờ rất đông người hâm mộ đến cổ vũ kéo theo nhiều nhà tài trợ, quảng cáo đổ về các giải nữ.
Thậm chí là có những quốc gia các nữ cầu thủ còn đưa ra lý lẽ rằng LĐBĐ quốc gia sống bằng tiền của các cô gái đi đá bóng nhiều hơn là các chàng trai đá bóng như tại LĐBĐ Mỹ, LĐBĐ Canada...
Cuộc đấu tranh bình đẳng giới trong thu nhập đang lan rộng sang nhiều đội tuyển, nhiều quốc gia và đã bắt đầu gõ cửa lên FIFA.
Hãy thử tưởng tượng trận khai mạc tại Sydney giữa Úc và Ireland mà đến giờ bóng lăn nhưng những tên tuổi như chín thành viên trụ cột đội tuyển Úc không có mặt thì điều gì sẽ xảy ra?
Và làn sóng các cầu thủ nữ lên tiếng đòi bình quyền cứ liên tục xảy ra trong khi FIFA thì nói rằng đã làm rất nhiều để kéo mức thu nhập và tiền công cho những nữ cầu thủ lên đến mức đáng kể so với trước đây rồi.•
Công bằng…
FIFA đang nỗ lực mang đến sự công bằng trong thu nhập cho những cầu thủ, những đội dự World Cup nhưng rõ ràng không thể một sớm một chiều đáp ứng mọi thứ sau một kỳ World Cup.
Nếu như World Cup nam 2022, FIFA chi trả cho hàng trăm CLB sở hữu cầu thủ đá World Cup thì World Cup nữ, FIFA không làm điều đó mà lại trả cho LĐBĐ quốc gia có đóng góp đội tuyển đá World Cup.