Thấm thoát Giải thưởng Fair Play do báo Pháp Luật TP.HCMtổ chức đã tròn 10 năm. 10 năm được giới bóng đá thừa nhận là chặng đường thay đổi tích cực bóng đá nước nhà.
“Bóng đá không nuôi dưỡng cái đẹp là bóng đá chết!”
10 năm trước, khi báo Pháp Luật TP.HCM khởi xướng Giải thưởng Fair Play vào những ngày đầu năm 2012 thì chủ tịch VPF - Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VN) đầu tiên là ông Võ Quốc Thắng đã hết lòng ủng hộ, chia sẻ như một lời trần tình với báo Pháp Luật TP.HCM và với các đội bóng: “Bóng đá mà không nuôi dưỡng cái đẹp là bóng đá chết. Người hâm mộ đến sân để thưởng thức bóng đá đẹp và chỉ có cái đẹp từ đôi chân, từ hành động cao thượng của các cầu thủ, của những nhà làm bóng đá mới giúp bóng đá nước nhà phát triển”.
Năm 2012, khi Giải thưởng Fair Play ra đời, FIFA đã gửi thư ủng hộ và sân khấu hôm ấy |
10 năm qua, tính cả năm đề cử Fair Play sẽ trao giải trong đêm gala đầy màu sắc hôm nay, hiện đã có đến hơn 50 tấm gương phản chiếu vẻ đẹp trong đời sống bóng đá. Những cá nhân, tập thể đoạt Giải thưởng Fair Play đều ý thức giữ gìn cái đẹp trên sân cỏ lẫn cuộc sống đời thường, trong khi các thành phần tham gia vào bóng đá luôn xem cuộc chơi bóng đá cao thượng là nguồn khích lệ cho sự nghiệp của họ.
Fair Play trăm hoa đua nở
Tuổi lên 10 của Giải thưởng Fair Play đã chứng kiến và tôn vinh rất nhiều nghĩa cử, hành động đẹp không chỉ trên sân bóng mà còn đi sâu vào đời sống của giới quần đùi áo số. Không chỉ thế, Fair Play đã lan tỏa rộng khắp đến nhiều giới, từ các chuyên gia, HLV, trọng tài, ban tổ chức sân đến những chiến sĩ cảnh sát cơ động cứu em bé trên sân Thiên Trường, bác sĩ quên tình riêng vì cái chung của đội tuyển, chị lao công nhặt của rơi ở sân bóng trả lại cho người mất…
|
Lần đầu tiên Giải thưởng Fair Play ra mắt năm 2012, cầu thủ Võ Nhật Tân đã giành giải thưởng cao nhất với hành động dũng cảm tố cáo hành vi tiêu cực của đồng đội, giúp lãnh đội Long An ngăn chặn một vụ mua bán độ, một hiểm họa từng làm điêu đứng làng bóng VN một thời.
Hai năm tiếp theo 2013 và 2014, Giải thưởng cao quý Fair Play đều thuộc về tập thể đội U-19 Việt Namcủa lứa các cầu thủ Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng… Những cầu thủ dưới 19 tuổi khi ấy còn ngây thơ, hồn nhiên khi e thẹn đứng trên bục nhận giải cao nhất đã ngày càng chững chạc thì bây giờ trở thành trụ cột của đội tuyển VN, có sức ảnh hưởng không chỉ về tài năng mà còn về cách ứng xử nhân văn trong sân bóng và ngoài xã hội.
Giải thưởng Fair Play đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, hướng thiện của giới quần đùi áo số trên sân bóng, như mùa 2015 với sự đăng quang của ngoại binh Abass Dieng người Senegal cũng là cầu thủ ngoại đầu tiên được tôn vinh bởi hành động nghĩa hiệp tha thứ cho chính cầu thủ trẻ Thanh Hào làm gãy chân mình trong trận chung kết.
Chương Thị Kiều cũng là cầu thủ nữ đầu tiên nhận Giải thưởng Fair Play 2019 khi gây xúc động mạnh cho người hâm mộ với đôi chân bị chấn thương băng kín vẫn cắn răng chiến đấu bảo vệ chiếc HCV SEA Games. Tiền đạo Văn Toàn lên ngôi năm 2017 với hành động dũng cảm ngăn cản ban huấn luyện nóng nảy có nguy cơ làm vỡ trận đấu đã gây ấn tượng mạnh trong làng bóng.
10 năm sau, Fair Play không chỉ đẹp trên sân cỏ mà đẹp cả ở khán đài. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Tương tự với kỷ lục hai lần đăng quang của đội trẻ U-19 VN, các tuyển thủ futsal quốc gia cũng lập cú đúp Giải thưởng Fair Play hai mùa 2016 và 2021 vì phong cách đẹp trong hai mùa đá vòng chung kết World Cup. Riêng với cầu thủ Nguyễn Nhớ trong màu áo Sanvinest Khánh Hòa đã trở thành nhân vật chính của Giải thưởng Fair Play 2020 khi bỏ pha ghi bàn để các bác sĩ kịp thời sơ cứu cho đồng nghiệp của đội futsal Sài Gòn FC.
Niềm hạnh phúc của người trong cuộc
10 năm gặp lại, cầu thủ Võ Nhật Tân của đội Long An vui vẻ khoe: “Tôi đặt chiếc cúp lưu niệm trong tủ kính ở phòng khách nhà mình để mỗi ngày mình lại nhìn thấy nó. Chiếc cúp là một kỷ vật trong sự nghiệp bóng đá của tôi. Dù chơi cho đội bóng nào và với bất kỳ hoàn cảnh nào, chiếc cúp Fair Play luôn nhắc nhở tôi sống tốt, chơi bóng tốt để không bao giờ phụ lòng các nhà tổ chức đã tin tưởng”.
Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Fair Play - Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển chia sẻ: “Chúng tôi rất hạnh phúc với những hình ảnh đẹp của bóng đá VN ngày càng lan tỏa sâu rộng trong giới qua tinh thần cao thượng cả trên sân cỏ lẫn cuộc sống đời thường. Báo Pháp Luật TP.HCM cùng chung tay với nhiều chuyên gia, người hâm mộ, bạn đọc tìm tòi, khám phá và mong muốn đi đến tận cùng của cái đẹp, của sự cao thượng. Suốt 10 năm qua, Giải thưởng Fair Play ngày càng uy tín và lớn mạnh, song hành cùng sự phát triển của bóng đá VN”.
Chuyên gia bóng đá Trần Duy Long gắn bó với Giải thưởng Fair Play từ những ngày đầu tiên đã rất ủng hộ với lối ví von giàu hình ảnh về việc cổ vũ bóng đá cao thượng là khao khát xây dựng một đời sống thượng tôn pháp luật, dân chủ và công bằng cho tất cả thành phần tham dự cuộc chơi. Giải thưởng Fair Play là một hình thức hướng đến cái đẹp trong bóng đá, là tấm gương phản chiếu tính nhân văn, nâng cao ý thức văn hóa trong đời sống bóng đá cho mọi thành phần từ các ông bầu, HLV, cầu thủ, trọng tài đến khán giả, cổ động viên…
Thành tựu trọn đời với những nhân vật đặc biệt
Trong 10 năm qua, Ban tổ chức Giải thưởng Bóng đá cao thượng đã vinh danh những cá nhân có thành tích xuất sắc và sức cống hiến tuyệt vời cho làng bóng VN. Từ những tượng đài như cố cầu thủ, HLV Phạm Huỳnh Tam Lang cả đời vì bóng đá cho đến các ông bầu có tình yêu mãnh liệt với quả bóng tròn như Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Anh Tú giờ là phó chủ tịch VFF. Phần thưởng vinh danh trọn đời Fair Play của báo Pháp Luật TP.HCM còn trân trọng dành cho cố HLV Lê Thụy Hải, nữ tướng Đoàn Thị Kim Chi, nhà cầm quân đến từ Hàn Quốc Park Hang-seo và đêm 3-3 tiếp tục tôn vinh trợ lý xuất sắc Lee Young-jin. TT