Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây đã ký ban hành nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng. Điều này có nghĩa những người có thu nhập trên 11 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 132 triệu đồng một năm mới phải đóng thuế TNCN. Đồng thời, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng được điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 tới đây và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Nhiều người không phải nộp thuế
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiêm Phó tổng thư ký Quốc hội, giải thích: Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động tăng trên 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Tuy vậy, ông Giang cho rằng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng là phù hợp với biến động tăng của CPI.
Ông Giang lý giải thêm mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Nguyên nhân là theo quy định hiện hành, kỳ tính thuế tiền công, tiền lương… của doanh nghiệp được tính theo năm, từ ngày 1-1. Vì thế, doanh nghiệp sẽ tạm ứng trước thuế TNCN và khi quyết toán thuế thì sẽ được truy hoàn.
Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định hồi tố với những trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng. Cụ thể là người nộp thuế sẽ được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho rằng mức mới này được tính toán phù hợp với biến động giá cả, Luật Thuế TNCN. Theo tính toán của bộ này, với quy định mới, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ lớn hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao. Trong trường hợp thu nhập của cá nhân dưới 11 triệu đồng thì chắc chắn sẽ không phải đóng thuế TNCN.
Bộ Tài chính cũng đánh giá việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như trên sẽ giúp những người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công đang nộp thuế được hưởng lợi, tức giảm số tiền thuế phải nộp so với hiện nay. Ví dụ theo quy định hiện nay, người có thu nhập đến 15 triệu đồng mỗi tháng, có một người phụ thuộc thì mỗi tháng phải nộp 120.000 đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới thì người này sẽ không phải nộp thuế.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh giúp nhiều người có thêm tiền chi tiêu, mua sắm. Ảnh: QUANG HUY
Vui nhưng vẫn lo
Theo tính toán của các chuyên gia, với nghị quyết trên, đối với người có thu nhập trên 11 triệu đồng mỗi tháng thì việc tính thu nhập tính thuế là lấy thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ. Ví dụ, ông Đức (TP.HCM) cho biết có tổng thu nhập hằng tháng là 20 triệu đồng, có một người phụ thuộc là con trai đang đi học.
Các khoản giảm trừ của ông Đức sẽ gồm có: Mức được giảm trừ gia cảnh người nộp thuế 11 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc với con ông là 4,4 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, các khoản giảm trừ được tính là khoản bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (nếu có), đóng quỹ hưu trí tự nguyện (nếu có), các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo… của ông Đức khoảng 600.000 đồng mỗi tháng. Cộng lại, các khoản giảm trừ của ông Đức ước tính khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng.
Thu nhập tính thuế TNCN của ông Đức sẽ là: 20 triệu đồng - 16 triệu đồng = 4 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp này ông Đức phải đóng thuế TNCN với thuế suất thuế TNCN 5%, như vậy số tiền thuế ông Đức phải nộp là 200.000 đồng mỗi tháng.
Ông Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia thuế, cho rằng nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng cần khuyến khích người dân chi tiêu hoặc tái đầu tư vào giáo dục, nâng cao dân trí. Khi nâng mức giảm trừ gia cảnh, thu nhập chịu thuế ở mức hợp lý thì người dân chi tiêu nhiều hơn, điều đó càng tốt cho nền kinh tế chứ không có chuyện giảm ngân sách. |
Tương tự, chị Kim Oanh (quận Tân Phú, TP.HCM) nói việc thay đổi cách tính thuế TNCN sẽ giúp nhiều người dân được lợi. “Như trường hợp của tôi hiện nay thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng, kê khai một người phụ thuộc. Sau khi giảm trừ (12,6 triệu đồng), thu nhập chịu thuế là 2,4 triệu đồng, tức mỗi tháng phải đóng 120.000 đồng. Nếu áp dụng cách tính mới, mức giảm trừ tăng lên 15,4 triệu đồng mỗi tháng thì tôi không phải nộp thuế” - chị Oanh tính toán.
Dù rất vui vì được giảm trừ thuế nhưng chị Oanh và nhiều người cho rằng mức giảm trừ là còn thấp so với thực tế cuộc sống. Ông Duy Toàn (quận 7, TP.HCM) cho rằng hiện nay nhiều mặt hàng tiêu dùng như thịt heo, tiền điện, tiền thuê nhà… tăng cao.
“Nếu Nhà nước nâng mức chịu thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh hợp lý với thực tế thì người dân sẽ bớt vất vả. Bên cạnh đó, nếu người thu nhập trung bình mà vẫn phải nộp thuế thì họ gần như không có cơ hội tiết kiệm để mua nhà ở đô thị” - ông Toàn nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang nói với trách nhiệm thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế TNCN, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng đồng tình với mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất. Tuy vậy, cơ quan này đề nghị thời gian tới Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Thuế TNCN giai đoạn 2011-2020 để sửa đổi một cách căn bản, toàn diện.
Nguồn thu từ thuế TNCN tăng mạnh Bộ Tài chính cho biết sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi sau khi mức giảm trừ gia cảnh nâng lên. Trong đó 1 triệu đối tượng không phải nộp thuế TNCN. Tổng số thu người lao động được giữ lại để chi tiêu khoảng 10.300 tỉ đồng. Trong thời gian qua, nguồn thu từ thuế TNCN liên tục tăng trưởng ấn tượng. Từ mức chỉ gần 5.180 tỉ đồng năm 2006 đã tăng hơn 20 lần, lên khoảng 110.000 tỉ đồng trong năm ngoái. |