Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… cùng một số nội dung quan trọng khác.
“Cái đó dở lắm”
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) nêu ý kiến về đánh giá và quản lý nhân sự trong đảng, trong cơ quan nhà nước. Bà đề nghị phải xem lại cách thức đánh giá. “Đánh giá theo ba-rem, mọi thứ đã rõ ràng hết rồi, đừng kèm theo việc nếu đơn vị có người không hoàn thành thì cả đơn vị cũng bị vạ lây”, ĐB Phong Lan nói.
Theo ĐB, nếu đánh giá như vậy thì sự cố gắng, cống hiến của cả một đơn vị sẽ bị ảnh hưởng vì một cá nhân. Điều đó cũng tạo cho cá nhân “tự đắc” vì đơn vị không dám gạt mình xuống.
“Cái đó dở lắm! Cũng như cái gì cũng người đứng đầu chịu trách nhiệm, không biết chịu trách nhiệm kiểu gì. Các em đi nhậu về, tự chạy xe, để cho cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi có uống đâu? Tôi cũng đã nhắc nhở, kêu gào đủ kiểu cũng tới mức đó thôi”, ĐB Phong Lan nói.
Nhắc đến ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân về tỉ suất sinh, ĐB Lan nói rằng đến giờ đảng viên sinh con thứ 3 vẫn kỷ luật như thường.
ĐB Phong Lan nêu: “Tình trạng đó còn tới mức, có một số trường hợp sinh con thứ 3, họ đến bác sỹ và theo kết luận chuyên môn là do “tai nạn”, có đặt vòng nhưng vẫn có con. Sau đó, tôi biết một số trường hợp y bác sỹ ở một số bệnh viện phụ sản đã phải làm việc với cơ quan điều tra đến xem anh cấp giấy có đúng chuyên môn hay không. Tôi hoàn toàn sửng sốt!”.
ĐB Phong Lan đề nghị phải xem lại các quy định trong quản lý đảng viên, cán bộ. Sắp đến kỳ bổ nhiệm nếu có sinh con thứ 3 là “coi như xong rồi đấy”.
“Rồi rất nhiều đơn thư tố cáo, đến gần đại hội, chả bới móc được chuyện gì thì lôi ra chuyện sinh con thứ 3”, ĐB Phong Lan nói và cho rằng có thể sửa đổi những “đơn giản nhất trong tầm tay như vậy. Bà cũng không coi chính sách đó sai nhưng giai đoạn hiện nay thì cần thay đổi cả chính sách cũng như các quy định cho đảng viên, cán bộ.
“Đây là chỉ số quan trọng của quốc gia”
ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Ông từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, để phù hợp với tình hình mới. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những gia đình nào cảm thấy không nuôi được con, tự họ đã sinh ít con. Chỉ gia đình nào đủ điều kiện nuôi con tốt, mới sinh nhiều con.
Trong khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, cấp có thẩm quyền cần sớm sửa quy định, để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên không dám sinh con thứ ba. Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba còn nhằm truyền thông đến người dân về chính sách dân số trong tình hình mới.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, năm 2023 mức sinh của Việt Nam là 1,96, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ. Cách đây 7 năm, Trung ương yêu cầu giữ vững tổng tỷ suất sinh thay thế, nhưng hiện tại đã không giữ được. Vì thế, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ bổ sung chỉ số tổng tỷ suất sinh thay thế vào báo cáo kinh tế xã hội để có biện pháp nâng mức sinh.
"Đây là chỉ tiêu hệ trọng quốc gia, liên quan đến phát triển con người, bền vững của đất nước", ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói.
Đề nghị công bố mức sống tối thiểu và xây dựng chỉ số hạnh phúc
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nếu đã xác định con người là trung tâm, tất cả vì con người, con người là động lực thì trong chăm lo con người thì chăm lo cuộc sống là rất quan trọng.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đến chuyện “công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu” đến nay vẫn là một món nợ. Vì vậy các địa phương cũng khó hỗ trợ người thu nhập thấp vì không có quy định mức sống tối thiểu.
“Chính phủ nên công bố mức sống tối thiểu này và dự báo diễn biến trong 5 năm tới. Cần dứt điểm trả món nợ này đối với Nghị quyết Trung ương về cải cách tiền lương”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo ông, các nước giờ không chỉ công bố mức sống tối thiểu mà đã công bố mức sống đủ cho gia đình 4 người, rồi sau đó công bố luôn mức lương đủ sống tối thiểu cho gia đình có hai người phụ thuộc.
“Chúng ta không có chỉ số hạnh phúc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xây dựng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.