Ngày 22-10, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên án ba bị cáo trong vụ gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh Hòa Bình.
Tòa tuyên y án tám năm tù đối với bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Cùng tội danh này, Khương Ngọc Chất (cựu trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) được giảm án từ sáu năm xuống còn năm năm tù.
Kháng cáo kêu oan rồi lại rút
Riêng Đỗ Mạnh Tuấn (cựu hiệu phó Trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) bị tuyên sáu năm tù về tội nhận hối lộ, ba năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt là chín năm tù (giảm một năm so với sơ thẩm).
Trước khi phiên tòa được mở, hai trong số ba bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan, gồm Nguyễn Quang Vinh và Khương Ngọc Chất. Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, cả hai ông Vinh và Chất đều thay đổi nội dung kháng cáo. Riêng Đỗ Mạnh Tuấn vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Giống phiên sơ thẩm trước đó, ông Vinh thừa nhận có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng (việc can thiệp, sửa bài thi - PV), tuy nhiên bị cáo không lợi dụng chức vụ như bản án sơ thẩm quy kết.
“Sự việc xảy ra bị cáo rất đau lòng, trong suốt 30 năm làm nhà giáo, bị cáo chưa làm gì để không công bằng với bất cứ học sinh nào” - bị cáo nói và thừa nhận trách nhiệm của mình rất lớn bởi là người tham mưu cho lãnh đạo Sở GD&ĐT.
Ông Vinh cũng cho rằng với vụ việc nghiêm trọng như trên có phạt tù thì cũng xứng đáng. “Bị cáo không băn khoăn mức án, dù đó là tám năm hay 10 năm. Nhưng bị cáo không chấp nhận việc bị cáo buộc tội lợi dụng, nếu quy kết bị cáo thiếu trách nhiệm thì sẵn sàng chấp nhận” - ông Vinh nói.
Bị cáo này khẳng định không kháng cáo kêu oan mà đề nghị xem xét lại tội danh cũng như hình phạt của bản án sơ thẩm. Bị cáo thừa nhận mình có tội nhưng là hành vi thiếu trách nhiệm, trong đó thực hiện sai quy chế thi, quản lý cán bộ cấp dưới lỏng lẻo dẫn tới vi phạm…
Tương tự, bị cáo Chất cho biết trước đó có đơn kháng cáo kêu oan nhưng hôm nay thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Ông Chất thừa nhận có nhận thông tin của một số thí sinh là con em bạn bè, anh em trong cơ quan nhưng chỉ là nhờ xem điểm chứ không phải nâng điểm. Bị cáo trình bày một số tình tiết với hy vọng được xem xét giảm nhẹ mức án.
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm ngày 22-10. Ảnh: T.PHAN
Các bị cáo khai “chỏi” nhau
Đáng chú ý, giống giai đoạn sơ thẩm, tại tòa phúc thẩm bị cáo Vinh và Tuấn tiếp tục có nhiều lời khai đối lập nhau.
Theo lời Tuấn, cuối tháng 5-2018, trong một lần lên Sở GD&ĐT công tác, bị cáo vào phòng Vinh uống nước. Tại đây, Vinh có đề xuất về việc can thiệp vào bài thi để sửa điểm cho một số thí sinh. Vinh nói những thí sinh này là con em của các cán bộ trong ngành, hoặc bạn bè, hoặc các mối quan hệ ngoại giao.
Sau một hồi suy nghĩ, bị cáo nhận lời và đề nghị mình sẽ là người trực tiếp can thiệp, còn những điều kiện khác để có thể nâng điểm (chìa khóa phòng, niêm phong, canh gác…) thì Vinh phải có trách nhiệm “lo đến”.
Sau khi bài thi được tập hợp về địa điểm chấm thi, bị cáo nhận từ Vinh một số mảnh giấy về thông tin của các thí sinh, trong đó yêu cầu nâng bao nhiêu điểm, môn gì. “Bị cáo nhớ có khoảng 4-5 tờ danh sách, trong đó có một thí sinh là cháu vợ của ông Vinh” - Tuấn nói.
Căn cứ vào các tờ giấy này, Tuấn lập một danh sách excel, in ra rồi đưa cho Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) để phối hợp với nhau thực hiện việc sửa điểm. Tuấn khẳng định một mình không thể can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh mà cần phải có sự hỗ trợ từ người khác.
Sau khi vụ việc bị phát giác, Tuấn có đến gặp Vinh và được Vinh trao đổi rằng chỉ nhận ở mức độ thiếu trách nhiệm mà thôi. HĐXX nhiều lần nhận xét lời khai của Tuấn là rất thành khẩn, nhất quán với lời khai tại giai đoạn sơ thẩm.
Tuy nhiên, được gọi lên đối chất, Vinh phủ nhận hầu hết các lời khai trên. Vinh không thừa nhận việc đưa các mảnh giấy chứa thông tin của thí sinh cho Tuấn, cũng không đưa chìa khóa phòng chứa bài thi cho bị cáo này…
Bị cáo khẳng định giữa mình và Tuấn không có mâu thuẫn gì nhưng không thể giải thích được lý do tại sao Tuấn lại khai như vậy.
Khi chủ tọa truy vấn về trường hợp thí sinh là cháu họ của mình, Vinh nói hầu hết cán bộ trong sở đều biết bị cáo có cháu tham dự kỳ thi năm 2018. Tuy nhiên, cháu của Vinh dự thi như bình thường, bị cáo không hề can thiệp gì.
Tòa sơ thẩm tuyên đúng người, đúng tội HĐXX cho rằng bị cáo Vinh không thừa nhận phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tuy nhiên lời khai của một số bị cáo trong cùng vụ án, nhất là lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn khẳng định Vinh là người chủ động trao đổi về việc nâng điểm cho một số thí sinh là con em các lãnh đạo, đồng nghiệp. HĐXX phúc thẩm đồng tình với nhận định của tòa sơ thẩm khi cho rằng Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Tuấn nâng điểm cho các thí sinh. Việc quy kết bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là hoàn toàn có căn cứ. Với bị cáo Chất, tại giai đoạn sơ thẩm bị cáo luôn kêu oan, không nhận tội nhưng đến phúc thẩm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Cũng theo tòa, cựu trưởng phòng của Công an tỉnh Hòa Bình đã cùng các bị cáo bàn bạc, can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh. Trong đó, riêng bị cáo Chất còn móc nối, nhờ Tuấn nâng điểm cho 10 thí sinh. |