Giá vàng dậy sóng: Có nên bán đất mua vàng?

Giá vàng tăng nóng trong thời gian gần đây khiến nhiều người nhấp nhổm không yên. Thậm chí không ít người băn khoăn liệu có nên rút tiền gửi tiết kiệm, bán đất, bán cổ phiếu hay vay nóng… để đầu tư vàng.

Giá vàng tăng ngoài dự đoán, biến động thất thường

Giá vàng thế giới ngày hôm qua (15-8) tăng mạnh trở lại và đạt mức cao nhất trong khoảng sáu năm qua. Đến cuối đêm qua (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.518-1.520 USD/ounce, tăng gần 20 USD so với phiên trước đó. Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại do nhà đầu tư đổ xô mua tài sản trú ẩn trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế lan rộng.

Bám đuổi theo đà tăng của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng bật tăng dữ dội. Ví dụ, giá vàng SJC tăng thêm 450.000- 500.000 đồng/lượng, hiện dao động quanh mức 41,7-42,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tính từ đầu năm, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 17%.

Bản tin phân tích giá vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu nhận xét: “Vàng tăng giá chủ yếu do nhu cầu đối với mặt hàng này tiếp tục ở mức cao, trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục lo ngại về khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và những căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới có thể bùng lên bất cứ lúc nào”.

Mặc dù giá vàng trong nước liên tục tăng phi mã song nhu cầu mua bán trên thị trường lại khá im ắng. Chủ cơ sở kinh doanh vàng Hoàng Thứ trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) cho biết: Kể từ khi có sóng lớn trên thị trường vàng đến nay, lượng người mua bán không nhiều. Ngay cả những chủ đầu tư lớn cũng không lao vào lướt sóng vì thị trường kim loại quý này đang biến động rất khó lường.

Đánh giá về nguyên nhân khiến giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích: Nhiều tổ chức tài chính trên thế giới từng dự đoán giá vàng trong năm nay chỉ có thể bật lên mốc 1.400 USD/ounce nhưng hiện nay giá vàng thế giới có thời điểm đã leo lên đến 1.525 USD/ounce. Với những diễn tiến đang xảy ra trong đầu tháng 8, nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ bất ổn rất nhiều và có thể kéo dài 1-2 năm. Do vậy, dòng vốn đầu tư đã chuyển một phần khu trú qua kênh an toàn là vàng. Điều này làm giá vàng tăng cao hơn dự đoán.

Giá vàng thế giới tăng kéo giá vàng tại Việt Nam cũng biến động liên tục và rất khó lường. Ảnh: THÙY LINH

Biến động càng nhiều, rủi ro càng lớn

Trước cơn biến động mạnh của giá vàng, người dân và nhà đầu tư có nên bán tháo chứng khoán để đổ tiền mua vàng? TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng mặc dù giá vàng đang lên nhưng mức lợi suất không hấp dẫn hơn cơ hội sinh lời từ chứng khoán. Bởi nếu mua vàng lúc giá từ 1.516 USD/ounce và dự kiến có thể lên 1.600 USD/ounce vào cuối năm thì cũng chỉ tăng khoảng 5,5%.

Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng khoán lướt sóng trong vòng 2-3 tuần có thể kiếm được lợi nhuận 5%-7% là chuyện bình thường. “Do đó, lợi nhuận của giá vàng so với đầu tư chứng khoán không đủ quyến rũ để các nhà đầu tư từ bỏ chứng khoán để nhảy qua vàng” - ông Hiếu nhận định.

Vàng là một kênh đầu tư được chọn lựa với những người có rất nhiều tiền và muốn tìm kiếm sự an toàn.

TS ĐINH THẾ HIỂN 

Tương tự, cũng khó có chuyện nhà đầu tư bán đất để lấy tiền mua vàng. Bởi nếu mua đất rồi “để quên” 2-3 năm thì lợi nhuận kỳ vọng đạt mức 30%-40% là không hiếm, thậm chí còn có thể cao hơn. Nhưng nếu mua vàng rồi cất trong két sắt 3-4 năm sau sẽ rất khó kiếm lời 30%-40%. Cụ thể, tính giá vàng mua tại thời điểm này 1.500 USD/ounce thì cho dù giá vàng có tăng lên mức 2.000 USD/ounce cũng chỉ kiếm được 30% lợi nhuận. Còn nhớ vào tháng 8-2011, giá vàng thế giới đạt mốc cao nhất trong lịch sử cũng chỉ ở mức 1.900 USD/ounce.

Vậy với những người muốn rút tiền gửi tiền tiết kiệm từ ngân hàng trước kỳ hạn để mua vàng thì sao? TS Đinh Thế Hiển nói: Nền kinh tế Việt Nam ổn định; tỉ giá USD/VND có thể tăng nhưng áp lực không quá mạnh; lạm phát ổn định giúp VND vẫn giữ được giá trị. Điều này cho thấy người gửi ngân hàng với lãi suất 7%-8%/năm vẫn khá tốt. Đây vẫn sẽ là kênh đầu tư được chọn lựa với những người chọn lựa sự an toàn hoặc những người chưa thấy cơ hội đầu tư mới. Còn việc mua vàng sẽ phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi, mua để dành.

Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, lưu ý: Người mua vàng nên xem xét mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của các đơn vị kinh doanh vàng. Khi độ chênh càng lớn, càng nhiều rủi ro và rủi ro sẽ bị đẩy từ phía kinh doanh vàng sang người mua.

“Mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng ở mức 100.000-300.000 đồng/lượng có thể chấp nhận. Mức 300.000-500.000 đồng/lượng là cao. Còn biên độ chênh lệch lên tới 500.000-1.000.000 đồng/lượng sẽ đẩy hầu hết rủi ro cho người mua” - ông Hiếu cảnh báo.

Hai kênh đầu tư lãi suất cao nhưng…

TS Đinh Thế Hiển đánh giá có hai kênh đầu tư khá hấp dẫn nhưng rủi ro không nhỏ, thậm chí có thể mất trắng tiền là mua trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư qua kênh cho vay ngang hàng.

Theo đó, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sân chơi đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ thích hợp với các nhà đầu tư tổ chức. Bởi tổ chức thường có đủ các dữ liệu để phân tích tiềm lực của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, khi ngân hàng chấp thuận cho doanh nghiệp vay thì trước đó ngân hàng đã thẩm định kỹ dự án kinh doanh, quản lý dòng tiền, “siết” các tài sản thế chấp như bất động sản, nhà máy, xưởng… nên nếu bỏ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng vẫn nắm đằng chuôi. Đối với nhà đầu tư cá nhân, dù lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có cao gấp đôi lãi suất ngân hàng thì cũng nên tính đến mức độ rủi ro có thể phải gánh chịu.

Tương tự, với kênh đầu tư dựa trên nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng được quảng cáo lãi suất lên tới gần 20%/năm. Mức lãi suất này rất hấp dẫn nhưng nếu làm ăn thất bại thì nhà đầu tư chịu rủi ro hoàn toàn vì không có cơ sở pháp lý để bảo vệ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm