Sáng 9-4, HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề “Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật”.
Đường xuống cấp, thường xuyên bị ngập
Tại chương trình, cử tri huyện Bình Chánh cho biết huyện có hơn 1.300 tuyến đường nhưng một số tuyến đường chưa có hệ thống cống thoát nước đã gây ngập nước, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngoài ra, một số dự án nâng cấp đường buộc nhà dân phải nâng theo nhưng đường vẫn tiếp tục bị ngập. “TP đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo cho người dân sinh sống và lưu thông?” - cử tri huyện Bình Chánh đặt câu hỏi.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên xây dựng Trường ĐH GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay kết cấu hạ tầng giao thông ở TP có nhiều tuyến đường hư hỏng, ngập úng chưa được sửa chữa, gây mất an toàn giao thông. “Hiện nay công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ra sao?” - PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi.
Đường Nguyễn Hoàng (TP Thủ Đức) xuống cấp, người dân mong muốn sớm nâng cấp mở rộng theo đúng kế hoạch. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Trả lời các câu hỏi của cử tri, ông Đặng Phú Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết huyện Bình Chánh có tốc độ phát triển đô thị nhanh. Do đó, việc xây dựng đường giao thông kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ là tất yếu. TP đang triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đường bộ và thoát nước để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông.
Ông Thành cũng cho biết đối với những tuyến đường chưa được đầu tư, TP đang tiếp tục lên kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đồng bộ. Riêng tuyến đường Vĩnh Lộc, hiện đã có dự án nâng cấp đường và hệ thống kỹ thuật do huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư và đã thông qua chủ trương. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 huyện đang phối hợp, rà soát và đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư, sau đó sẽ tiến hành sửa chữa.
1.600 tỉ đồng/năm để bảo trì đường
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết công tác quản lý hệ thống hạ tầng giao thông được phân cấp quản lý, duy tu, bảo trì cho Sở GTVT TP và các đơn vị như quận, huyện, các khu đô thị và các đơn vị đầu tư dự án.
Trong đó, Sở GTVT TP hiện đang quản lý các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, phức tạp, liên thông các quận, huyện và quản lý các hầm, cầu, đèn tín hiệu giao thông… Cụ thể, Sở GTVT đang quản lý hơn 1.500 km đường với kinh phí bảo trì khoảng 1.600 tỉ đồng/năm. Các quận, huyện quản lý trong nội bộ các tuyến đường trong quận, huyện với kinh phí bảo trì khoảng 800 tỉ đồng/năm.
Công tác duy tu, bảo dưỡng được Sở GTVT TP triển khai theo hai hình thức là duy tu, bảo dưỡng theo kế hoạch hằng năm và lập các báo cáo kỹ thuật sửa chữa các dự án. “Đến nay việc đầu tư, duy tu, bảo trì được quan tâm nhiều hơn, mang lại nhiều kết quả nhất định. Trong quá trình thực hiện vẫn có những lúc chưa đảm bảo, chưa kịp thời. Một số dự án đầu tư, bảo trì của các chủ đầu tư không được quan tâm, không còn quản lý hoặc giải thể… tạo ra sự bức xúc cho bà con” - ông Hưng nhấn mạnh.
Mặt khác, theo ông Hưng, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng một con số nhất định so với nhu cầu. Do đó, một số tuyến đường cần duy tu, bảo dưỡng còn gặp nhiều khó khăn, bị chậm tiến độ do thiếu kinh phí.
Theo ông Hưng, nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc trên là thiếu kinh phí đầu tư. Với Sở GTVT TP, kinh phí đầu tư chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu và trước đây con số này còn thấp hơn. Trong khi đó, kinh phí cho các quận, huyện chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Thậm chí, có tuyến đường cần duy tu, bảo trì nhưng gặp khó khăn về kinh phí nên chưa kịp thực hiện.
“Hiện nay có một số dự án trong khu dân cư như An Phú, An Khánh, Hoàng Hải… chủ đầu tư không còn nên việc đầu tư hạ tầng cũng rất khó. Theo đó, muốn giải quyết vấn đề này cần có đơn vị quản lý nhà nước để quản lý hạ tầng thì mới có thể bảo trì và sửa chữa. Hiện có 291 dự án đang rơi vào tình trạng như vậy” - ông Hưng nói.•
TP.HCM sẽ tiếp cận ba nhóm công việc để quản lý…
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng quá trình phát triển TP có thể thấy hạ tầng kỹ thuật đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của TP.
Theo ông Cường, đến nay, hơn 4.300 tuyến đường được phân cấp cho các đơn vị, các vỉa hè cũng được phân cấp để quản lý… Trên cơ sở ý kiến của các cử tri, chính quyền TP sẽ tiếp cận ba nhóm công việc để quản lý và xác định rõ trong quá trình thực hiện. Trong đó, xác định rõ vai trò của sở, ngành chức năng trong thực hiện quản lý hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các nhóm dự án chưa rõ chủ thể quản lý, TP sẽ có chính sách nghiệm thu trên cơ sở hiện trạng và phân cấp quản lý và bố trí kinh phí duy tu, bảo trì. Đồng thời bố trí vốn để triển khai thêm nhiều dự án khác còn dở dang. “Tinh thần chung, UBND TP sẽ tiếp thu, ghi nhận và giao các sở, ngành để gắn với các nhóm quản lý để khai thác đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP” - ông Cường cho biết.