Việc bóng đá nữ Triều Tiên có mặt ở trận chung kết là một bí ẩn rất lớn của bóng đá nữ châu Á.
Cách đây năm năm, tại ASIAD 18 - 2018 ở Palembang (Indonesia), đội nữ Triều Tiên đã bị chính các cầu thủ nữ Nhật Bản thắng 2-1 và loại họ tại tứ kết. Đó là ngày 24-8-2018 và giới thể thao châu Á đều nhớ rất rõ vì kể từ trận nữ Triều Tiên thua Nhật Bản và xách valy về nước không chỉ bóng đá nữ Triều Tiên mà cả làng thể thao của quốc gia Đông Á này không tham gia ở mặt trận quốc tế nào. Họ đóng kín cửa trong mùa đại dịch COVID-19 không lâu sau đó.
Cũng chính việc đội tuyển nữ Triều Tiên không góp mặt tại các vòng loại và vòng chung kết Asian Cup 2022 khiến một số đội bóng nữ châu Á, trong đó có đội tuyển nữ Việt Nam có thêm một suất chơi vòng chung kết World Cup 2023 mới diễn ra hồi tháng 7.
Trước khi đóng cửa các sân chơi quốc tế, đội tuyển nữ Triều Tiên xếp hạng năm châu Á nhưng sau năm năm không chơi bóng, FIFA đã gạch tên họ trên bảng xếp hạng thế giới.
Thật lạ lùng khi tái xuất ở ASIAD 19, những cô gái Triều Tiên “bí ẩn” đã cho thấy một sức mạnh khủng khiếp. Ở bảng C do chỉ có hai đội nên Triều Tiên phải đá hai lượt với nữ Singapore thì họ dội hai cơn mưa gôn 7-0, 10-0. Vào tứ kết, thầy trò HLV Ri Yu-in đánh bại láng giềng Hàn Quốc 4-1 rồi tiếp theo là cơn mưa gôn 8-0 vào lưới Uzbekistan ở bán kết.
Sức mạnh của các cô gái Triều Tiên không chỉ nằm trong nhiều cá nhân xuất sắc như Kim Kyong Yong 21 tuổi với năm bàn vào lưới Singapore, bốn lần sút thủng lưới Uzbekistan, mà còn là lối chơi tập thể bài bản, đặc biệt ở tinh thần chiến đấu hết mình, không khoan nhượng.
Giải mã “bí ẩn” Triều Tiên rõ ràng là điều không dễ cho các cầu thủ Nhật Bản.