Thầy trò HLV Shin Tae-yong của đội tuyển Indonesia chưa biết mùi chiến thắng tại vòng loại thứ ba World Cup 2026 khu vực châu Á qua 5 lượt trận với 3 hòa và 2 thua dù có đội hình được ví là “đội tuyển Hà Lan 2”. Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung cũng từng nhờ “ngoại lực” rất tốn kém song tính hiệu quả lại không cao.
Tốn kém mà không hiệu quả
Khu vực Đông Nam Á có Singapore đi đầu trong việc tận dụng “ngoại binh”, sau đó đến Philippines (cả nam và nữ), Thái Lan, Malaysia rồi Indonesia như hiện nay. Cũng cần nhắc lại là tuyển Việt Nam cũng một thời sử dụng “ngoại lực”, đó là thời HLV Calisto dẫn dắt với những Huỳnh Kesley, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Đinh Văn La (thủ môn Mikola, người Ukraine)... nhưng cũng không đâu vào đâu.
Nhìn vào cách làm của các nước Đông Nam Á thì rõ ràng đội tuyển Indonesia là tối ưu vì họ tuyển chọn những ngoại binh (cầu thủ có mang dòng máu Indonesia) đã định hình sẵn tài năng và đặc biệt là đang thi đấu tại châu Âu. Tuyển Indonesia mời được những cầu thủ chất lượng từ châu Âu nhập tịch đã là thành công rồi.
Đội hình Indonesia có trung vệ Jay Idzes khoác áo Venezia đá Serie A, hàng loạt cầu thủ khác đá ở giải Hà Lan, ba, bốn cầu thủ đang chơi ở giải hạng nhất Anh, thủ môn Maarten Paes đang khoác áo Dallas FC đá giải nhà nghề Mỹ... Về mặt chất lượng cầu thủ, đội tuyển Indonesia đã thành công. Những cầu thủ giỏi hơn nữa thì sẽ khó về Indonesia vì họ còn cơ hội khoác áo đội tuyển nơi gia đình họ sinh sống.
Tuy nhiên đằng sau những phi vụ đó, Indonesia tốn hàng trăm triệu USD lót tay mời chào cho cuộc chơi rất giống canh bạc, nghĩa là “5 ăn, 5 thua” này. Điều quan trọng nhất là những ngoại binh Indonesia hầu hết đang chơi bóng tại Âu, Mỹ nên họ duy trì phong độ cao.
Chất lượng không đi đôi với kết quả
Chất lượng cầu thủ ngoại của Indonesia là rất ổn, lại có “chút ràng buộc” đó là họ có trong mình “dòng máu” Indonesia. Tuy nhiên trên thực tế thì đã rõ. Kết thúc lượt đi, đội tuyển Indonesia chưa biết mùi chiến thắng, đứng chót bảng C vòng loại thứ ba World Cup 2026.
Đặc biệt đội tuyển Indonesia không hơn gì tuyển Việt Nam, thậm chí là thua. Hồi giai đoạn 3 vòng loại World Cup 2022, thầy trò HLV Park Hang-seo thể hiện rất tốt trước Nhật Bản (chỉ thua 0-1 lượt đi và hòa 1-1 lượt về). Sang Saudi Arabia, tuyển Việt Nam cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ nhà, chỉ khi Việt Nam bị mất người (Duy Mạnh bị hai thẻ vàng) thì Saudi Arabia mới thắng 3-1. Rồi tuyển Việt Nam cũng thắng được Trung Quốc ở trận lượt về 3-1 (thua 2-3 lượt đi).
Còn nay, đội tuyển Indonesia không thấy dấu ấn gì từ ngoại lực chất lượng. Ba vòng đấu tiên ở bảng C, khi đối thủ chủ quan, Indonesia có được ba trận hòa (Saudi Arabia 1-1, Úc 0-0 và Bahrain 2-2). Sau đó khi bị các đối thủ nhận diện, Indonesia thua cả Trung Quốc và thất bại rất nặng trước Nhật Bản với tỉ số 0-4 ngay trên sân nhà Bung Karno theo thế trận 1 chiều, còn Nhật Bản thì chưa thể hiện hết mình.
Nếu tiền nhiều đi đôi với thành tích thì đã có nhiều đội ở khu vực Đông Nam Á chơi tại World Cup rồi, khi những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh như Singapore, Malaysia, Thái Lan và cả Brunei có thể nhập tịch cầu thủ để đạt ước mơ World Cup.
Nhìn rộng ra là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới là Qatar. Gần hai thập niên trước, họ thành lập hệ thống học viện Aspire tuyển chọn tài năng trẻ khắp thế giới về đào tạo, các HLV là những cựu HLV của Tây Ban Nha, thuộc lò La Masia danh tiếng của Barcelona.
Chưa hết, chuẩn bị cho World Cup 2022 trên sân nhà, đội tuyển Qatar được ưu ái dự tất cả các giải lớn trên thế giới, từ việc tham dự vòng loại Euro 2020 (hồi đó, Qatar làm “quân xanh” cho các đội bảng A), tham dự Copa America, Gold CONCACAF Cup, Tham dự vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á (dù họ là chủ nhà chắc chắn có 1 suất).
Tuy dự hàng loạt giải chất lượng thế giới, nhưng vào chiến dịch World Cup 2022, Qatar thua thảm trong cả ba trận vòng bảng. Đó là đội đầu tiên trong lịch sử World Cup khi làm chủ nhà mà toàn thua 3 trận vòng bảng.
Qatar, Indonesia, Singapore... đều là những quốc gia có tiềm lực mạnh, nhưng việc trông đợi vào ngoại lực thì tính hiệu quả không cao. Dùng ngoại lực theo cách của Indonesia dù hợp lý nhưng lại theo kiểu “ăn xổi ở thì”, bởi khi có quốc tịch Indonesia là họ phải ra sân ngay mà không có thời gian thích nghi.
Đầu tư công phu, lâu dài và tốn tiền của như Qatar với học viện Aspire rồi cũng chẳng đâu vào đâu. Tuy nhiên họ cũng có được “món quà” an ủi là hai danh hiệu vô địch Asian Cup (2019 và 2023).
Bây giờ, khi World Cup 2026 có 48 đội, châu Á có 8,5 suất nhưng chắc gì Qatar góp mặt được? Đó là đất nước Qatar giàu có, xa hoa, cầu thủ đá bóng toàn là triệu phú mà không dễ chiêu dụ tài năng huống gì “vùng trũng” bóng đá thế giới như Đông Nam Á.
Yếu tố con người, cá tính dân tộc, sự gai góc và tinh thần vươn lên mãnh liệt mang đặc trưng quốc gia như kiểu người Nhật Bản và người Hàn Quốc cùng nền kinh tế phát triển thì mới mong... “đổi đời”.