Giải ngân vốn đầu tư công ở Đắk Lắk chậm vì chưa có quy hoạch sử dụng đất

(PLO)- Do quy hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt nên không có mặt bằng bàn giao cho các dự án… làm cho việc giải ngân vốn đầu tư công ở Đắk Lắk chậm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-9, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8-2022.

Phiên họp này nhằm báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 8 và nhiệm vụ chủ yếu trong tháng 9.

Do nhà thầu không có khối lượng hoàn ứng, Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột từng có số dư tạm ứng quá hạn gần 166 tỉ đồng. Ảnh: HĐ

Do nhà thầu không có khối lượng hoàn ứng, Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột từng có số dư tạm ứng quá hạn gần 166 tỉ đồng. Ảnh: HĐ

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2021 còn hơn 614 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022.

Tính đến ngày 10-9-2022 tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 mới chỉ đạt gần 12%, tương đương với số tiền hơn 73 tỉ đồng.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, tỉnh Đắk Lắk phân bổ cho các dự án và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ với số tiền hơn 3.682 tỉ đồng.

Thực tế, tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các dự án trong kế hoạch năm 2022 hơn 3.510 tỉ đồng. Đến ngày 10-9 đã giải ngân được hơn 913 tỉ đồng, đạt 26% kế hoạch. Thấp hơn so với vốn giải ngân chung của cả nước là hơn 34%.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp. Ảnh: LX

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp. Ảnh: LX

Trao đổi với PLO ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết nguyên nhân làm ảnh hưởng đến quá trình giải ngân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều công trình, dự án phải tạm dừng triển khai để đảm bảo công tác phòng dịch

Giá cả vật liệu biến động tăng đã ảnh hưởng đến công tác lập dự toán các gói thầu, chủ đầu tư và các nhà thầu cần tính toán để không làm thay đổi tổng mức đầu tư dự án.

Trong bảy tháng đầu năm 2022, các công trình khởi công mới còn đang trong quá trình thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu (tư vấn, xây lắp) và lập, thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Ngoài ra nhiều nơi chưa thực hiện xong quy hoạch mỏ đất để khai thác thực hiện công trình. Một số địa phương chưa hoàn thiện thủ tục để phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và năm 2022.

"Về nguồn vốn ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào việc thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên việc thu tiền sử dụng đất của các dự án cấp tỉnh chưa đạt theo kế hoạch nên ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn các dự án đầu tư công” – ông Đinh Xuân Hà cho hay.

Đối với các dự án đã được giải ngân vốn đầu tư công nhưng không có khối lượng hoàn ứng do thiếu đất đắp cho công trình; biến động giá vật liệu xây dựng sáu tháng đầu năm tăng cao đã dẫn đến một số nhà thầu thi công sợ lỗ nên hoạt động cầm chừng.

Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập bốn tổ công tác kiểm tra do ba Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một giám đốc sở làm trưởng đoàn.

Như PLO đã đưa tin, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đối với UBND TP Buôn Ma Thuột.

Nguyên nhân do các sở ngành ở Đắk Lắk cũng như UBND TP Buôn Ma Thuột chưa tìm được tiếng nói chung, có nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến chậm có phương án trên.

Điều này dẫn đến việc đã gần hết quý III nhưng UBND TP Buôn Ma Thuột vẫn chưa có kế hoạch sử dụng đất của năm 2022.

Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và UBND TP Buôn Ma Thuột đang trình xin ý kiến Bộ Xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch sử dụng đất.

Ngoài TP Buôn Ma Thuột, còn có huyện Cư Kuin cũng chưa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm