Ngành du lịch vừa tiếp tục phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” khi đợt dịch COVID-19 thứ hai được kiểm soát.
Nhiều ý kiến cho rằng dịch COVID-19 đã thay đổi du lịch, do vậy để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) cần tư duy và tiếp cận khách hàng theo cách mới. Đặc biệt DN nên đẩy mạnh việc chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới để tăng tốc.
Phải tự thích nghi và thay đổi
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết khi thông tin dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, từ tháng 7 các DN du lịch khốn khổ vì rất nhiều khách hoãn, hủy tour du lịch. Không ít người đòi lại tiền đặt cọc khiến DN du lịch khó khăn hơn do đã thanh toán với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 8 tỉ lệ khách du lịch hủy phòng các khách sạn khoảng 90%-100% ở hầu hết địa phương.
“Chúng tôi phải làm việc với các bên để giảm tối đa thiệt hại. Không chỉ Lửa Việt, mà các DN trong ngành du lịch đều đang cố gắng giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng, đối tác cung cấp dịch vụ cho công ty” - ông Mỹ nói.
Lãnh đạo Công ty Du lịch Lửa Việt cũng cho rằng các DN phải tập sống chung với dịch và phải tự lực cánh sinh, chủ động có phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. DN phải tự thích nghi, thay đổi quản lý nhân sự, sử dụng công nghệ nhiều hơn.
“Hậu dịch COVID-19, dự báo du lịch nội địa sẽ lên ngôi đầu tiên. Các DN du lịch sẽ có nhiều dịch vụ cộng thêm cho khách nội địa như đến tận nơi tư vấn cho khách chứ không bắt khách đến văn phòng, xe đưa đón từ nhà đến sân bay, khuyến mãi giảm giá…” - ông Mỹ nói.
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng nhận định sau khi dịch được kiểm soát, du lịch nội địa đã và sẽ phục hồi với tốc độ nhanh chóng, thậm chí khách còn nhiều hơn trước đây.
“Vấn đề ở đây là các DN du lịch, ngành hàng không và đặc biệt là cần sự đồng hành từ phía cơ quan báo chí để giúp kích cầu du lịch. Rất cần những thông tin về những điểm đến đẹp của Việt Nam, những điểm du lịch an toàn để kéo khách du lịch quay trở lại” - ông Việt nói.
Bên cạnh sự nỗ lực của từng DN du lịch, ông Việt cho rằng rất cần có một chương trình chung nhằm tăng cường sự liên kết các DN, các ngành với nhau để đưa ra một mức giá hợp lý tạo sự kích cầu cho du lịch nội địa. Để các DN du lịch có thể trụ được trong thời gian khó khăn này, họ chỉ cần hòa vốn, nuôi được bộ máy và trả được các chi phí là đã thành công.
“TP.HCM cần duy trì sự liên kết với cơ quan du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm nắm bắt tình hình, chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều này là để ngay khi các quốc gia này mở cửa, chúng ta có thể tái khởi động một cách nhanh chóng vào thị trường quốc tế” - ông Việt nhấn mạnh.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì đợt dịch COVID-19 thứ hai, ngành du lịch Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh. Trong ảnh: Du khách đang nghỉ dưỡng tại khu du lịch Aquatopia Water Park ở Phú Quốc. Ảnh: VIẾT THỊNH
Không chỉ là giảm giá
Bộ VH-TT&DL đã phát động chương trình kích cầu du lịch lần hai với chủ đề “Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Như vậy, so với lần đầu tiên, chương trình kích cầu lần hai tập trung vào hai yếu tố an toàn và hấp dẫn. Cụ thể, người cung ứng dịch vụ và môi trường cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí… phải tuân thủ các quy định về quy trình an toàn phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phía khách du lịch có ý thức chủ động phòng, chống dịch.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch, giải thích thêm, sự hấp dẫn trong đợt kích cầu lần hai sẽ tập trung vào tính liên kết tốt giữa các liên minh kích cầu, tạo ra các sản phẩm, tuyến du lịch mới giá tốt, hấp dẫn và đa dạng. Những sản phẩm nghỉ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, du lịch golf... sẽ được đề cao. Ngoài ra, các sản phẩm cần đảm bảo chính sách hoàn hủy, hoàn đổi linh hoạt để du khách có thêm nhiều lựa chọn.
Bên cạnh các đối tượng khách là người Việt Nam, nhóm khách nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam, chuyên gia, người lao động nước ngoài... cũng cần được chú trọng. Đây là nhóm khách tiềm năng khi một số đường bay quốc tế được mở lại trong thời gian tới.
“Chúng tôi coi họ là những đại sứ quảng bá du lịch Việt Nam an toàn với thị trường quốc tế” - ông Đinh Ngọc Đức chia sẻ.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch, giải pháp kích cầu du lịch lần này phải đặc biệt. Theo đó, vừa kích cầu chúng ta vừa phải nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn, ví dụ như sống chung với dịch.
Ông Bình cho rằng những giải pháp kích cầu trong đợt đầu giờ không còn phù hợp. “Đợt kích cầu lần này không thể trông đợi vào giảm giá. Giá đã giảm hết cỡ, không thể thấp hơn, DN đã kiệt sức. Do vậy nên tập trung vào chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ phải tốt nhất, sản phẩm dịch vụ mới nhất, hấp dẫn nhất, lạ nhất” - ông Bình nói.
Ngoài ra, theo ông Bình, kích cầu lần hai cần song song với việc nghiên cứu, tìm hiểu chuyển đổi số, đưa du lịch thành ngành kinh tế số để vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch. “Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm đối phó ngay lập tức” - ông Bình bày tỏ.
Nhiều người sẵn sàng đi du lịch 41% số người được hỏi sẵn sàng đi du lịch từ tháng 9 đến tháng 11, trong đó gần một nửa (46,7%) đi ngắn ngày (2-3 ngày). Số còn lại có kế hoạch đi du lịch muộn hơn. Hơn 70% số người tham gia khảo sát vẫn chọn đi máy bay. Về dịch bệnh, hơn một nửa trong số ý kiến được hỏi vẫn lo ngại khi đến các điểm đã bị dịch bệnh (57%). Vì vậy, điểm đến an toàn là yếu tố tác động chính tới kế hoạch đi du lịch của họ. (Theo kết quả từ một khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch) |
Vẫn cần bàn tay hỗ trợ
Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ nhấn mạnh bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các DN, để phục hồi nhanh ngành du lịch và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ sau dịch, Nhà nước cần có sự hỗ trợ thiết thực như giảm ngay 50% thuế VAT cho DN từ 10% xuống còn 5%.
Thứ hai là giảm thuế thu nhập DN từ 20%/năm xuống còn 10%/năm. Thứ ba là giảm 50% mức đóng bảo hiểm xã hội từ 26% xuống còn 13%. “Như vậy, Nhà nước không cần phải bỏ tiền, chính sách hoàn toàn minh bạch, không cần xét duyệt, triệt tiêu nhóm lợi ích, DN nào có làm thì mới được giảm” - ông Việt nói.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần tạo điều kiện để phục hồi phần nào các hãng hàng không trong nước, giúp họ trụ vững trong thời gian khó khăn. Đó là tiền đề để bật dậy khi thị trường hàng không quốc tế phục hồi. Theo đó, việc khai thác tốt hàng không nội địa gắn liền với một chính sách tốt phát triển du lịch là rất cần thiết lúc này.
Hiện nay, chính sách chung để khắc phục hệ quả của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đã ban hành khá nhiều rồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới này, việc mở cửa hoạt động dịch vụ, du lịch sẽ thúc đẩy ngành hàng không. Một trong những chính sách quan trọng chính là vấn đề tài chính, bám trụ như giảm các loại phí, dịch vụ cho ngành hàng không và du lịch, một loại dịch vụ cung ứng cho hàng không thì sẽ cùng vực dậy được nền kinh tế.
“Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành hàng không, các DN lữ hành và các địa phương để tạo cú hích phát triển. Khi hàng không hồi phục trở lại sẽ giúp thúc đẩy du lịch, khi du lịch bật lên kéo theo lưu trú, khách sạn, lữ hành, nhà hàng, quán ăn... cũng phát triển theo. Từ đó, tạo sự lan tỏa, kết nối để phát triển nền kinh tế, giúp phục hồi kinh tế của các địa phương” - TS Lịch phát biểu.
Đề xuất cho doanh nghiệp du lịch vay lãi suất 0% Sở Du lịch TP.HCM vừa có đề xuất cho DN du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương. Trước đó, cơ quan này cho biết các DN trong ngành khó tiếp cận các gói vay tín chấp do bị xếp vào nhóm ngành rủi ro cao đối với các ngân hàng. Đến ngày 24-8, chỉ 7/50 DN lữ hành và cơ sở lưu trú gặp khó khăn được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, hầu hết người lao động và DN lữ hành (đặc biệt là DN vừa và nhỏ) chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Mới đây, Bộ VH-TT&DL cũng có văn bản trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, bộ đề nghị có chính sách lùi thời gian trả lãi suất đến tháng 12-2021, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về tài khóa và tín dụng như hiện nay. Đồng thời, thuế suất VAT được đề xuất giảm từ 10% xuống còn 5% trong năm 2020 và 2021, giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng giá điện sản xuất trong năm nay và những năm tiếp theo. |