Giải pháp nào cho tình trạng thiếu vật liệu san lấp ở Đà Nẵng?

(PLO)-Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để tạo nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ các công trình đang xây dựng tại TP. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã phản ánh về tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, san lấp và giá cả rất đắt đỏ đang khiến các nhà thầu ở Đà Nẵng than lỗ, gặp khó khăn về tiến độ khi thi công các công trình trọng điểm. Trong khi đó, TP Đà Nẵng vừa qua đã tổ chức đấu giá thành công hai mỏ với trữ lượng lớn (dự kiến 3.000.000 m3-PV) đất đồi nhưng đến nay vẫn chưa đưa mỏ vào khai thác.

Cụ thể, Công ty CP Đầu tư khu đô thị Nam Cường (trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã trúng đấu giá mỏ đất san lấp thuộc xã Hòa Liên và xã Hòa Ninh với diện tích khoảng 10 ha với giá là trên 23,5 tỉ đồng. Công ty CP xây dựng thương mại Long Bình (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) trúng đấu giá mỏ còn lại cũng thuộc địa bàn 2 xã trên với giá trên 29,2 tỉ đồng.

Trao đổi với PLO, Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho hay, theo quy định, sau khi kết thúc thăm dò, đánh giá trữ lượng thì 2 doanh nghiệp trên mới nộp đủ tiền trúng đấu giá (thời hạn cấp phép thăm dò là 7 tháng kể từ ngày 27-4-2022).

Ông Vinh cho biết thêm, để đáp ứng nguồn vật liệu xây dựng, Sở TN&MTđã đề xuất UBND TP một số giải pháp.

Một số công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng thiếu vật liệu xây dựng, đất san lấp dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ. Ảnh: NGÔ QUANG.

Một số công trình trọng điểm của TP Đà Nẵng thiếu vật liệu xây dựng, đất san lấp dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ. Ảnh: NGÔ QUANG.

Về lâu dài, trên cơ sở đã được phê duyệt, Sở đã khoanh định thêm các khu vực có tiềm năng về vật liệu xây dựng để đưa vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đá xây dựng tại 14 khu vực với tổng diện tích 550,6 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 84.024.000 m3; Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng đất san lấp tại 8 khu vực với tổng diện tích 714,2 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo là 71.420.000 m3.

Về giải pháp trước mắt, cho phép một số mỏ đá vừa có trữ lượng còn lại lớn vừa có công suất <100.000 m3/năm (mỏ Hố Bạc 3, mỏ Phước Thuận, mỏ Phước Nhân) được nâng công suất khai thác, tối đa là 200.000m3/năm.

Cho phép 4 mỏ đá: Hố Bạc, Hố Bạc II, Hố Trầu, Hốc Khế II nằm trong ranh sử dụng đất Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, xã Hòa Nhơn trước đây được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đến hết năm 2025 (như các mỏ đá lân cận: Hố Bạc 3, Suối Mơ II,…), với tổng sản lượng hàng năm được bổ sung là 352.000m3.

Cấp Giấy phép khai thác mỏ đá: Hốc Khế, Hốc Khế 1, xã Hòa Nhơn và Phước Sơn, xã Hòa Khương.

Đối với vật liệu san lấp, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND TP cấp 4 giấy phép khai thác khoáng sản ở các dự án công trình để điều phối lượng đất, cát thừa về phục vụ các dự án khác.

Trong đó đã trình UBND thành phố cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản đất đồi của 02 đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đề cập ở trên. Cấp phép cho 3 mỏ đá được bóc tầng phủ để làm vật liệu san lấp với khối lượng trên 500.000m3;

Phó giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh cho hay, TP cũng đã chấp thuận kế hoạch thăm dò nâng cấp trữ lượng một số mỏ đá để đưa khoáng sản đá, đất phủ ở các khối tài nguyên vào khai thác nhằm bổ sung một phần khối lượng đá, đất cho giai đoạn tới. Đồng thời, tiếp tục cho phép một số mỏ đá có tầng phủ dày được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ các công trình của TP.

Ngoài ra, yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản trong đất dự án, công trình nếu trong hồ sơ thiết kế công trình có phát sinh khối lượng đá, đất thừa; đề xuất công trình cụ thể được sử dụng lượng đá, đất này.

Chưa hết, trên cơ sở Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP giao các Ban Quản lý phối hợp với Sở TN&MT lựa chọn các khu vực nằm trong quy hoạch phù hợp để lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản (không phải qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) nếu việc khai thác khoáng sản này đáp ứng được tiêu chí quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm