Chiều nay (25-6), theo nghị trình, Quốc hội nghe trình bày báo cáo, thẩm tra và thảo luận ở tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về nội dung này vào chiều mai 26-6.
Tăng lương, người lao động nửa mừng, nửa lo
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhìn nhận đợt điều chỉnh tiền lương từ ngày 1-7 là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, có một thực tế là khi lương tăng thì giá cả cũng tăng theo.
Theo bà Nga, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước đón nhận tin này với tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thu nhập từ lương được tăng đáng kể nhưng lo vì sợ tiếp diễn tình trạng “cứ tăng lương là giá cả lại tăng”, khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản chứ không phải nâng cao đời sống người lao động.
“Bài toán đặt ra ở thời điểm này là Chính phủ phải có giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh tế như thế nào để kiểm soát được giá cả” – đại biểu Nga nói.
Bà khẳng định giá cả theo thời gian cũng sẽ tăng theo quy luật nhưng ở đây là hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng lương để tăng giá không theo một quy luật nào. Ở đây chỉ đơn giản là người lao động được tăng lương thì tăng giá.
Do vậy cần có sự quản lý sâu sát để làm sao việc tăng lương thật sự cải thiện được đời sống của người lao động, để niềm vui tăng lương của người lao động được trọn vẹn chứ không phải nửa mừng nửa lo, thấp thỏm như hiện nay.
Đại biểu Việt Nga cho rằng dù cải cách tiền lương hay thực hiện tăng lương thì điểm chung là lương của người lao động nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Còn điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức này là cách tính lương.
Nếu cải cách tiền lương thì chúng ta sẽ bỏ cách tính truyền thống theo mức lương cơ sở, theo ngạch bậc, thâm niên công tác và phụ cấp... để tính lương theo vị trí việc làm của người lao động. Với cách tính lương này có rất nhiều ưu việt, đảm bảo công bằng, khoa học hơn cho người lao động.
“Hiện nay, cùng vị trí việc làm, cùng trình độ nhưng nếu khác thâm niên công tác thì mức lương của người lao động cùng làm một công việc đấy rất khác nhau, thậm chí chênh nhau nhiều lần” – bà nhìn nhận và cho rằng nếu cải cách được cách tính tiền lương thì đó sẽ là cách tính khoa học, hiện đại, công bằng, tiệm cận với cách tính của nhiều quốc gia tiên tiến.
Tuy nhiên, để thay đổi được cách tính lương như vậy thì phải có sự thay đổi triệt để, phải có nhiều điều kiện đi kèm mà đầu tiên là điều kiện về nguồn lực.
Xây dựng vị trí việc làm, cần nhiều thời gian, công sức
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện đã có một khoản ngân sách tiết kiệm trong mấy năm để thực hiện cải cách tiền lương. Dù vậy, về lâu dài cần có thêm nhiều giải pháp khác như nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập… chứ không chỉ đơn thuần là đã dành được bao nhiêu tiền để cải cách tiền lương.
Cùng với đó là phải sửa đổi thể chế. Theo đại biểu, với cách tính lương truyền thống hiện nay đang liên quan đến nhiều quy định khác nhau như Luật Bảo hiểm xã hội, các luật liên quan đến thi đua khen thưởng…
“Cạnh đó, phải xây dựng được vị trí việc làm, mô tả tất cả vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách. Đây là công việc khó nhất, lâu dài nhất, dù có nhiều nỗ lực nhưng đến thời điểm này vẫn chưa làm xong” - bà Nga nói và khẳng định đây là việc cần nhiều thời gian và công sức.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác khiến việc cải cách tiền lương nếu thực hiện ngay sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Chính phủ đã quyết định trước mắt chưa thực hiện được toàn bộ nội dung cải cách tiền lương mà thực hiện một số nội dung, trong đó có nội dung tăng lương.
“Việc tăng lương cơ sở 30% tôi cho rằng trước mắt sẽ đáp ứng phần nào sự mong chờ của người lao động, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ” – theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương.
Dù vậy, bà cho rằng Chính phủ phải tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm thích hợp.
“Để có nguồn lực thật sự vững chắc để cải cách tiền lương thì các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, tinh gọn bộ máy, nâng cao GDP… là điều rất quan trọng” – bà Nga một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định có như thế mới có nguồn lực thật sự vững chắc để cải cách tiền lương.
Tại buổi họp báo chiều 20-6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Chính trị đã kết luận về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.
Theo đó, Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành chín chế độ phụ cấp mới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đây là những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng.
Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024 với ba nội dung.
Thứ nhất, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay). Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Thứ hai, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện chín loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành.
Thứ ba, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.