Ngày 24-6, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã ký báo cáo của Bộ Tư pháp gửi các đại biểu Quốc hội, dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Cũng tại phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị không giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.
Ý kiến khác lại cho rằng cần có giới hạn về địa hạt nhưng có thể quy định thêm một số loại giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa hạt.
Có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về trường hợp được công chứng ngoài trụ sở khi có lý do chính đáng khác.
Về các ý kiến này, Bộ Tư pháp cho rằng nước ta theo mô hình công chứng La tinh là công chứng nội dung. Theo đó, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, bao gồm đối tượng của giao dịch.
Trường hợp đối tượng giao dịch là bất động sản, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng về bất động sản thì trong trường hợp cần thiết, công chứng viên cần tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tại nơi có bất động sản, yêu cầu giám định để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch.
Theo Bộ Tư pháp, hiện vẫn còn một số địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng. Chỉ có một số ít địa phương xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng và chứng thực hợp đồng giao dịch.
Đối với những địa phương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng, các trường thông tin cũng chưa thống nhất. Thời điểm bắt đầu cập nhật và mức độ cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu cũng rất khác nhau, đặc biệt là rất ít dữ liệu về việc chứng thực hợp đồng, giao dịch do không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện.
“Tính đầy đủ, thống nhất của cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tại các địa phương chưa thực hiện được, việc kết nối các cơ sở dữ liệu này cũng không khả thi trong điều kiện hiện nay”- Bộ Tư pháp nêu tại văn bản gửi các đại biểu Quốc hội.
Từ những lý do trên, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng việc thực hiện công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro về công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm.
Thông tin thêm, Bộ Tư pháp cho hay nhiều quốc gia trên thế giới có hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng hoàn thiện nhưng vẫn áp dụng thẩm quyền công chứng theo địa hạt như Trung Quốc, Nga...
Về địa điểm công chứng, dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng và không quy định trường hợp “có lý do chính đáng khác”.
Điều này nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch, nghiêm túc của hoạt động công chứng, tránh tình trạng lạm dụng quy định về “lý do chính đáng khác” để thực hiện hàng loạt các việc công chứng ngoài trụ sở như tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này.
“Trường hợp mở rộng quy định về công chứng ngoài trụ sở thì sẽ bổ sung quy định quy trình chặt chẽ nhằm bảo đảm công chứng viên trực tiếp đến địa điểm công chứng ngoài trụ sở để thực hiện việc công chứng, tránh tình trạng cử nhân viên đi lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng như thời gian qua”- Bộ Tư pháp cho biết.
Theo nghị trình, hôm nay (25-60, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản
Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, huỷ bỏ các văn bản này.
Điều 41 dự thảo