Tham gia buổi công bố có đại diện Sở GTVT, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp thuộc địa bàn quận Ô Môn, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ). Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ - ông Lê Tiến Dũng đã triển khai công bố Văn bản số 2460/BGTVT-ĐTCT của Bộ GTVT, do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký về việc giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm T1 (Ô Môn) và T2 (Thốt Nốt).
Theo văn bản, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương giảm giá sử dụng dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm T1 và T2 trên cơ sở đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được nhà đầu tư thống nhất.
Cụ thể mức giảm từng trạm là:
Đối với trạm T1, thống nhất giảm 100% cho xe (10 xe) đã được Bộ GTVT chấp thuận tại Văn bản số 9849/BGTVT-ĐTCT ngày 29-8-2017; giảm 100% cho xe buýt, xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại khu vực Bình Lập, Thới Trinh thuộc phường Phước Thới và khu vực 12, 15 thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn.
Sở GTVT TP Cần Thơ phối hợp với chính quyền địa phương công bố chính sách miễn, giảm giá tại các BOT trên quốc lộ 91.
Giảm 50% cho xe không kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại phường Phước Thới, phường Châu Văn Liêm và phường Thới Hòa, quận Ô Môn (không bao gồm các đối tượng thuộc bốn khu vực đề xuất mức giảm nêu trên). Giảm 30% cho xe kinh doanh của người dân có hộ khẩu thường trú và cơ quan, tổ chức có trụ sở chính tại phường Phước Thới, phường Châu Văn Liêm và phường Thới Hòa, quận Ô Môn (không bao gồm các đối tượng nêu trên).
Đối với trạm T2, thống nhất giảm 100% cho xe buýt; xe của người dân có hộ khẩu thường trú và cơ quan, tổ chức có trụ sở chính đặt tại phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ); phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, An Giang). Đồng thời, giảm 100% cho xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (quốc lộ 80) về tỉnh An Giang (quốc lộ 91) và ngược lại.
Theo những nội dung giảm giá như trên, phương án tài chính hoàn vốn dự án là 28 năm và 12 ngày. Thời gian thực hiện giảm giá: Từ ngày 1-4-2018.
Theo phương án giảm giá này thì các phương tiện được giảm giá tại trạm T2 khi đi qua trạm T1 và ngược lại thì thu bổ sung đủ theo mức giá chung tại các trạm. Đối với các phương tiện đang sử dụng vé tháng, vé quý chỉ được xem xét giảm giá sau khi thời hạn trên vé tháng, vé quý kết thúc.
Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phối hợp với các địa phương kiểm tra đảm bảo các đối tượng, phạm vi, tỉ lệ giảm giá đúng theo quy định và thực hiện áp dụng việc giảm giá tại trạm thu giá dự án khi đủ các điều kiện.
UBND TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình thu giá dịch vụ thống kê phương tiện giảm giá đúng đối tượng; tuyên truyền, có giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo không xảy ra các hiện tượng tiêu cực, cản trở trong hoạt động thu giá dịch vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước các phương án giảm giá này, đa số người dân, doanh nghiệp đều mong muốn các sở, ban ngành, nhà đầu tư nhanh chóng triển khai áp dụng mức miễn giảm như trên. Tại buổi công bố, một số người dân và doanh nghiệp cũng yêu cầu Sở GTVT, nhà đầu tư xem xét trình Bộ có chế độ chính sách miễn giảm cụ thể đối với những xe chưa sang tên đổi chủ, xe thuê, hợp đồng, xe đăng ký ở nơi khác nhưng hoạt động trong khu vực được miễn giảm như trên. Đồng thời tại đây, người dân, doanh nghiệp còn đặt câu hỏi về việc đặt trạm T2 và kế hoạch dời trạm hay không.
Người dân và doanh nghiệp mong muốn sớm áp dụng chính sách miễn giảm.
Trước những yêu cầu, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, ông Lê Tiến Dũng yêu cầu người dân làm đơn gửi đến chính quyền địa phương để kiến nghị Bộ GTVT xem xét. Đối với vấn đề dời trạm T2 không thuộc thẩm quyền trả lời của Sở GTVT TP Cần Thơ.