TAND quận Thủ Đức, TP.HCM vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm giữa nguyên đơn là bà TTH (sinh năm 1972, giảng viên một trường đại học ở TP.HCM) và bị đơn là ông PTT (sinh năm 1983).
Đòi bồi thường 1.000 đồng và xin lỗi công khai
Từ một vụ án tranh chấp đòi tài sản, ông PTT (là nguyên đơn trong một vụ án khác) đã yêu cầu tòa án đưa bà H. vào vụ án với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đơn, ông T. yêu cầu bà H. phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông 2,5 tỉ đồng.
Theo đơn khởi kiện của bà H., khoảng thời gian năm 2017-2018, ông T. đã có hành vi rải tờ rơi khắp sân trường để đòi nợ bà H. Bà H. cho rằng bà hoàn toàn không biết việc vay mượn giữa ông T. và ông D. (chồng bà H.). Việc ông T. xác định bà H. phải trả nợ là không có căn cứ. Cho rằng hành vi của ông T. đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của mình, bà H. đã khởi kiện ông T. ra tòa.
Theo yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn đề nghị tòa án tuyên buộc bị đơn phải thực hiện ba yêu cầu. Thứ nhất, buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm thông qua việc đưa bà vào tham gia vụ kiện tranh chấp vay mượn tiền giữa bị đơn và chồng bà. Thứ hai, buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại về tinh thần với số tiền là 1.000 đồng. Thứ ba, buộc bị đơn phải đăng lời xin lỗi, cải chính công khai trên ba số báo liên tiếp.
Lập luận của hai bên
Tại tòa, phía nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Lý giải nguyên nhân, đại diện nguyên đơn trình bày bị đơn đã có hành vi rải truyền đơn tại sân trường để đòi nợ, hành vi này là vu khống, xâm phạm danh dự của nguyên đơn.
Đối đáp lại, đại diện bị đơn cho rằng đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nguyên đơn không có căn cứ để chứng minh thiệt hại xảy ra. Từ đó, đại diện bị đơn đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phần hỏi, đại diện nguyên đơn hỏi căn cứ vào đâu để xác định nguyên đơn có nợ tiền của bị đơn. Đại diện bị đơn nói rằng giữa nguyên đơn và bị đơn có mối quan hệ quen biết từ trước và nguyên đơn biết việc vay mượn này. Đồng thời, trong quá trình đòi nợ, nguyên đơn cũng có nói đến việc sẽ trả hết số tiền này.
Đại diện bị đơn cũng hỏi phía nguyên đơn rằng bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì thiệt hại chứng minh dựa vào chứng cứ gì.
Với thiệt hại về tinh thần, đại diện nguyên đơn cho rằng không thể đo đếm được và yêu cầu không cần phải chứng minh. Về mức độ thiệt hại tinh thần, đại điện nguyên đơn cho rằng sự nhận thức về sự tổn thương danh dự, nhân phẩm của mỗi cá nhân là khác nhau. Điều này tùy thuộc vào giới tính, tuổi, trình độ học vấn và tính chất nghề nghiệp. Do đó, không thể kết luận cùng một hành vi thì đối với cá nhân này không có tổn thương danh dự, nhân phẩm thì cá nhân khác cũng vậy.
Đại diện bị đơn cho rằng hành vi của bị đơn yêu cầu tòa đưa nguyên đơn vào vụ án tranh chấp vay mượn tài sản không phải là hành vi trái pháp luật. Việc này bị đơn đã được thực hiện đúng thủ tục, trình tự luật định, không xâm phạm danh dự, nhân phẩm của nguyên đơn.
Tòa bác yêu cầu khởi kiện
HĐXX nhận định: nguyên đơn kiện đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm. Đấy là quan hệ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, theo khoản 6 Điều 26 BLTTDS. HĐXX nhận thấy bị đơn nộp đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu tòa án đưa bà H. vào vụ án tranh chấp vay mượn tài sản là không sai.
Theo HĐXX, các bên đương sự đã xác định giữa bà H. và ông D. có mối quan hệ vợ chồng. Do vậy, HĐXX cho rằng hành vi của ông T. là không có lỗi, không dẫn đến gây thiệt hại về tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà h.
Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ly thân nhưng quan hệ hôn nhân vẫn còn Về mối quan hệ vợ chồng giữa bà H. - nguyên đơn - và ông D., đại diện nguyên đơn cho biết giữa bà H. và ông D. đã ly thân gần 10 năm nay. Tuy vẫn ràng buộc về mặt pháp lý (ghi nhận trên giấy kết hôn) nhưng đối với quan hệ tài sản, quan hệ con cái, hai bên đã chấm dứt (?!). Đại diện bị đơn yêu cầu nguyên đơn nêu căn cứ để xác định mối quan hệ hôn nhân đã chấm dứt. Đại diện nguyên đơn nói rằng đối với “quan hệ ly thân” pháp luật không quy định, không cần phải có văn bản, không cần giấy tờ chứng minh. |