Giành giật thị phần thẻ

Theo quyết định của Thủ tướng, từ ngày 1-1-2008 lương của cán bộ, công chức, viên chức được trả qua tài khoản. Giai đoạn hai từ ngày 1-1-2009 sẽ tiếp tục mở rộng trả lương qua tài khoản ở những đơn vị chưa triển khai. Đây là cơ hội để các ngân hàng thu hút khách hàng sử dụng ATM về với mình.

Thị trường béo bở

Kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen Việt Nam về thẻ tín dụng tại Việt Nam cho thấy có khoảng 90% số người được hỏi đều muốn đăng ký sử dụng thẻ tín dụng. Kết quả nghiên cứu của McKinsey ở những người trong độ tuổi từ 21 đến 29 cũng cho thấy giới trẻ ưa thích giao dịch ngân hàng trực tuyến hơn người lớn tuổi. Các ngân hàng bán lẻ có thể tăng trưởng hơn 25% mỗi năm trong vòng năm đến 10 năm tới, một tỷ lệ tăng trưởng cao nhất ở châu Á.

Những kết quả nghiên cứu trên đã lý giải tại sao các ngân hàng thương mại đang âm thầm mở rộng thị trường thẻ ATM. Xu hướng các ngân hàng trong nước liên kết với các đối tác toàn cầu như Visa, MasterCard để phát hành thẻ đa năng đang trở lên rầm rộ. Trên thị trường thẻ hiện nay phải kể đến các ngân hàng Vietcombank, Đông Á, ACB, Techcombank...

Các ngân hàng này đang chạy đua phát hành thẻ thông qua kết nối với các thương hiệu toàn cầu Visa, Master Card... Ngân hàng ACB phát hành thẻ ATM2+, Vietcombank phát hành thẻ Vietcombank Connect24 Visa... Một số ngân hàng khác lại chọn cách liên kết với thương hiệu Master Card như VIBBank, VPBank. Để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, các ngân hàng cũng đang tổ chức những chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn.

Một phó giám đốc Trung tâm thẻ Techcombank cho biết việc các ngân hàng trong nước liên kết với các tổ chức thẻ nước ngoài để phát hành thẻ ATM sẽ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Các chủ thẻ có thể thanh toán, rút tiền ở tất cả máy ATM liên kết trên thế giới. Tiện ích cho khách hàng Việt Nam khi đi du học, du lịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài. Ở các nước, tình trạng thanh toán bằng tiền mặt rất hạn chế nên việc có thẻ quốc tế sẽ không phải tốn thời gian làm thủ tục chuyển tiền. Đồng thời, khách hàng của các tổ chức liên kết như Visa, MasterCard cũng được lợi khi du lịch vào Việt Nam.

Ngân hàng ngoại không chịu ngồi yên

Dự tính đến cuối năm 2008, số lượng thẻ ATM của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tăng từ hơn tám triệu lên 14 triệu thẻ. Trước sức hấp dẫn của thị trường này, các ngân hàng nước ngoài như ANZ, HSBC cũng không bỏ qua cơ hội mở rộng thị phần.

Ngân hàng HSBC đã tung ra thị trường nội địa thẻ tín dụng HSBC, cung cấp cho khách hàng một phương thức chi tiêu hiệu quả hơn. Phát biểu với báo chí gần đây, ông Thomas Tobin, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết thẻ tín dụng HSBC không yêu cầu ký quỹ hay thế chấp, thời hạn thanh toán lên đến 45 ngày không tính lãi. Đồng thời, HSBC cũng tăng mạng lưới ATM lên trên 100 đầu máy.

Ông Bùi Hải - Giám đốc quản lý các kênh giao dịch Ngân hàng ANZ Việt Nam thì cho biết hiện tại ngân hàng đã có 70 máy ATM. Theo kế hoạch, năm 2009 ANZ sẽ tăng số lượng máy lên gấp đôi so với hiện tại. ANZ cũng sẽ tăng thêm các chức năng cho máy như thanh toán trả tiền điện nước, điện thoại... Trong thời gian tới, ngân hàng này còn kết nối với hệ thống máy ATM của các ngân hàng trong nước.

Diễn biến trên cho thấy cuộc đua phát hành hành thẻ ATM đang diễn ra rất gắt gao. Các ngân hàng đang đầu tư mạnh tay để mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ cũng như phát triển sản phẩm thẻ. Qua đây, các ngân hàng sẽ gia tăng lợi nhuận ở lĩnh vực phi tín dụng. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng của hệ thống thẻ ATM Việt Nam đã làm cho các giao dịch qua thẻ trở lên rủi ro hơn. Các sự cố về thẻ ATM liên tục diễn ra mấy năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Hiện nay có năm loại thẻ quốc tế được chấp nhận là Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club. Thẻ ATM thẻ ghi nợ nội địa chiếm 93,87%, thẻ ghi nợ quốc tế chiếm 3,65%, thẻ tín dụng quốc tế chiếm 2,22%, thẻ tín dụng nội địa chiếm 0,31%. Tính đến hết quý I-2008, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 4.500 máy rút tiền tự động, gần 15.000 điểm chấp nhận thẻ (POS). Số lượng thẻ phát hành hơn 10 triệu thẻ. Vào cuối năm 2007, Việt Nam chỉ có 4.020 máy ATM, 12.548 điểm chấp nhận và 8,4 triệu thẻ phát hành.

VŨ HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm