Giữa không khí trang trọng của buổi lễ, khi tên của tân kiến trúc sư Nguyễn Đức Huy được xướng lên, hình ảnh của sinh viên này xuất hiện tại màn hình, cả hội trường im lặng đầy trân trọng. Người lên nhận bằng không phải là Huy mà là đại diện của gia đình - người cha của em, ông Nguyễn Trung Bình. Ông chầm chậm bước lên khán đài, tay run run thay con nhận tấm bằng và lời chia buồn sâu sắc từ thầy hiệu trưởng. Dưới hội trường, người thân của Huy cũng có mặt và ôm nhau khóc, nhiều giảng viên, sinh viên cũng không cầm được nước mắt.
Huy là sinh viên lớp K16A1, khoa Kiến trúc - Xây dựng, quê tỉnh An Giang. Ngày 2-6, em đã đột ngột qua đời khi vừa kịp hoàn thiện đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư. Bệnh tim mạch tiềm ẩn trước đó đã khiến em không vượt qua được những căng thẳng, mệt mỏi trong suốt quá trình thực hiện 16 bản vẽ của đồ án, khi ngày sơ khảo cũng chỉ còn cách vài ngày (6-6).
Khoa và nhà trường cũng bất ngờ hơn khi qua trao đổi, gia đình em có nguyện vọng đồ án của em được chấm để em được tốt nghiệp cho em yên lòng. Sau khi nhận đồ án đã hoàn tất của em từ tay bạn bè, khoa đã xem qua và đồng ý đồ án của em được chấm sơ khảo vào ngày 6-6. Sau đó đồ án của em đã được cô giáo hướng dẫn Hoàng Thanh Thủy thay em trình bày trước hội đồng chấm đồ án của khoa và em đạt 7,5 điểm, thuộc tốp khá giỏi trong khoa. Đến ngày 20-6, Hội đồng xét tốt nghiệp của trường họp và quyết định công nhận tốt nghiệp với em theo đúng quy chế.
Đại diện của nhà trường cho biết nhà trường chưa từng có một buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt như vậy. Chuyện này đến từ nguyện vọng của gia đình. Theo cơ chế hành chính thì nhà trường hoàn toàn có quyền từ chối , nhưng không, nói như một nhà báo thì nhà trường đã kịp dừng lại để vinh danh một ước mơ không may mắn.
Xin được trích lời của nhà báo ấy để nói về lễ tốt nghiệp làm rung động bao trái tim cộng đồng mạng: “Giây phút đó, những người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những tân cử nhân trong hội trường. Trái tim trẻ tuổi của họ đã có một cơ may chạm vào nhịp đập cảm thông đang ngân lên, cuộc đời trần trụi được thăng hoa bằng những cảm xúc lộng lẫy nhắc nhở tính nhân văn của con người.Tôi nghĩ giáo dục phải là nơi làm ra những giấc mơ đẹp như thế!”.