“Có thể nói trong cuộc sống cũng như công việc của mình, nước ngoài mà tôi được sống nhiều thời gian nhất là nước Nga và kỷ niệm với nước Nga thì mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức…”. Đó là những chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, người từng gắn bó với nước Nga sáu năm trời và nhiều năm sau đó.
Nước Nga đôn hậu, chân tình
Yêu nước Nga từ nhỏ nên khi vào chiến trường, ông Đỗ Quý Doãn vẫn luôn tìm hiểu về đất nước, con người Nga. Những tiểu thuyết làm ông nhớ nhất đó là Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm... Ông Doãn cũng thích những bài thơ của Puskin, Lermantop, Maia, Oxenhin, Onga Becgon…, yêu những bộ phim như Bài ca người lính, Khi đàn sếu bay qua, Số phận một con người... Ông đặc biệt yêu thích những bài hát như Kachiusa, Chiều hải cảng, Cánh đồng Nga, Đôi bờ...
“Đó là những tác phẩm hay mà chúng tôi vẫn thường hát, thường kể cho nhau nghe trong những lúc nghỉ ngơi hay khi trong hầm, khi trên chốt…” - ông Doãn nhớ lại tình yêu với nước Nga từ lúc ông chưa một lần đặt chân lên xứ sở này.
Và rồi “giấc mơ nước Nga” đã trở thành hiện thực khi ông được du học đến đất nước này sau khi rời chiến trường. Tại đây, ông được cảm nhận những điều sâu sắc về những con người Nga rất đôn hậu, chân tình. “Đặc biệt là hình ảnh những bà giáo Nga tận tình chăm sóc lúc trái gió trở trời khi chúng tôi mới đến, hình ảnh ấy không bao giờ phai mờ trong ký ức chúng tôi…” - ông Doãn tâm sự.
Bên cạnh tấm chân tình của người dân, nước Nga còn đẹp bởi những cánh rừng, con đường mùa đông tuyết phủ trắng xóa… Theo ông Doãn, cảm giác lúc đó thật khó tả, bởi ông cảm thấy mình như một nhân vật trong các câu chuyện, bài hát… miêu tả về vẻ đẹp đất nước Nga mà ông từng được biết đến.
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, trong lần trở lại nước Nga gặp bạn cũ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Đỗ Quý Doãn thăm lại ngôi trường từng gắn bó sáu năm ở Matxcơva.
Đứng giữa nước Nga nghe câu hò xứ Nghệ
đất nước xinh đẹp này đã để lại cho nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn một kỷ niệm khó quên, đó là sự tri ân giữa ông và cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Tại xứ sở xa xôi, sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ khi nhớ về quê hương đã cho ra đời một tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” đã lay động và đi vào lòng công chúng nhiều năm qua.
Ông Doãn kể, vào quãng năm 1981, khi ông đang là sinh viên khoa Báo chí Trường ĐH Tổng hợp Lomonosov, cùng lúc nhạc sĩ Trần Hoàn sang Nga tham dự lớp bồi dưỡng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ). Ông Doãn quê ở Quảng Bình nhưng khi đi bộ đội, trước lúc vào chiến trường Quảng Trị và từ chiến trường ra Bắc ông đều đóng quân ở Nghệ Tĩnh. Vì vậy, ông được nghe và rất thích các làn điệu dân ca ví dặm.
Một buổi chiều, những lưu học sinh Việt Nam tại Moscow được nghe ca sĩ Hồng Vân (của Đoàn Nghệ thuật Bông Sen sang biểu diễn) hát bài “Giận mà thương”, một làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh. “Khi làn điệu ví, dặm ngân lên ở một nơi xa xôi khiến tôi thực sự xúc động…” - ông Doãn kể.
Buổi nhạc kết thúc, ông Doãn và nhạc sĩ Trần Hoàn rời khán phòng lên đồi Lenin. Tại đây, làn điệu dân ca vẫn còn ngân nga đâu đó trong lòng của những người con xa xứ. Từ đó ông Doãn viết một mạch bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Khi đọc bài thơ này, nhạc sĩ Trần Hoàn lập tức cất lên những giai điệu da diết.
“Giữa Mạc Tư Khoa/ Tôi nghe… nghe câu hò Nghệ Tĩnh/ Ơi câu hò xứ sở/ Sao thắm đượm tình quê hương”. Tứ thơ trào dâng: “Rằng thương nhau cho trọn/ Rằng qua lận đận/ Mới hiểu tận lòng nhau…”. Câu hát lại khắc thêm nỗi nhớ: “Điệu hò sông nước/ Tha thiết tình đất nước/ Đậm nghĩa tình sau trước/ Với bè bạn năm châu…”.
Từ thuở ấy, những lưu học sinh Việt Nam ở xứ bạch dương luôn ngân nga ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” trong mỗi dịp tụ họp. Mỗi lần giai điệu ấy vang lên, trong lòng người xa xứ cứ cồn cào nỗi nhớ về quê hương, Tổ quốc.
Ân tình với xứ sở bạch dương
Tạm biệt nước Nga sau khi hoàn thành khóa học sáu năm, nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết mình là người may mắn bởi thường xuyên được trở lại nước Nga. Mới đây nhất là tháng 10-2017, ông về thăm thầy giáo và trường cũ Lomonosov. Mỗi lần đến ông đều cảm nhận được sự thay đổi của đất nước Nga “nhưng tấm lòng của những người thầy, người bạn Nga thì vẫn luôn chân thành và đôn hậu như thuở nào” - ông nói.
Ông Doãn cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga có người đang cố tình lãng quên hoặc tìm mọi cách để làm sai lệch ý nghĩa của sự kiện. Tuy nhiên, trong lòng những du học sinh Việt Nam tại Nga ngày nào luôn nhớ về nó, nhớ về một sự kiện lịch sử đã biến bao phận người nô lệ bỗng chốc được tự do, làm chủ cuộc đời mình.
Theo ông Doãn, không có một quốc gia nào khác trên thế giới luôn được hàng triệu người Việt Nam nhắc tới với tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn, sự mến phục và đôi khi cả với những trăn trở, lo lắng như đất nước Nga. Vì trong thời gian khó khăn, gian khổ nhất mà Việt Nam trải qua, chính nước Nga đã đùm bọc, giúp đỡ chúng ta rất nhiều.
Sau này, con trai, con dâu ông Doãn cũng học và nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Lomonosov. Khi về nước, con đầu của ông đã đặt tên cho đứa cháu là Dương để nhớ đến xứ sở bạch dương, nơi cả ông nội, ba mẹ cháu đã từng sống và học tập với biết bao kỷ niệm khó phai mờ…
Vẹn nguyên tình yêu Cách mạng Tháng Mười Nga! Ngày 7-11-2017 này là tròn 100 năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách đây không lâu, chúng tôi đã quay lại quê hương Cách mạng Tháng Mười, gặp lại những người bạn nước Nga để làm những thước phim kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười thành công. Nhiều bạn Nga không kìm được nước mắt nói: “Chỉ có các bạn, chỉ có những người dân Việt Nam, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có được tình cảm quý hóa đó, tình cảm sắt son đối với cách mạng và những người làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười”. Có lẽ có quá nhiều bài viết, sách vở công trình nghiên cứu viết về Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và ảnh hưởng của sự kiện này như thế nào đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chúng tôi, những thế hệ cán bộ được học tập, nghiên cứu, công tác tại Liên bang Nga trước đây và ngày nay, đều có cách nhìn nhận vô cùng giản dị rằng không có Cách mạng Tháng Mười sẽ không có Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết; không có Liên Xô sẽ không có những thế hệ Việt Nam được nuôi dưỡng, đào tạo chu đáo để trở thành lực lượng nòng cốt của đội ngũ cán bộ Việt Nam. Cách đây không lâu, những người đã từng học tập, công tác tại Liên Xô đã có cuộc gặp mặt. Tại đây, một vị giáo sư khẳng định với những học trò của mình: “Không có một đất nước nào trên thế giới có được một cuộc gặp mặt đông như thế này, không có ở đâu có tình nghĩa thầy trò như thầy trò Xô Viết…”. Cũng gần đây thôi, khi một học sinh của trường về gặp lại thầy giáo ở tuổi 90. Thầy không còn đứng vững nhưng vẫn căn dặn học trò của mình rằng: “Có lẽ đây là lần gặp cuối cùng của thầy với em, một sinh viên Việt Nam mà thầy đã dạy 40 năm trước. Thầy chỉ muốn nói rằng hãy giữ mãi những tình cảm đẹp đẽ, cao quý giữa hai dân tộc Nga-Việt”. Thế giới có thể đổi thay nhưng trong ký ức và tình cảm của chúng tôi vẫn vẹn nguyên tình yêu Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại! Ông ĐỖ QUÝ DOÃN, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT |